Ông Sarkozy với 'cuộc chiến Digan'

Ông Sarkozy với 'cuộc chiến Digan'
TPO - Tổng thống Pháp Nikolai Sarkozy đã phản ứng cứng rắn với cuộc xung đột nổ ra giữa cảnh sát và dân Di gan du cư. Hành động này làm người ta nhớ lại hình ảnh của ông thời còn làm Bộ trưởng Nội Vụ trong việc xử lý các vụ bạo loạn tại ngoại ô Paris hồi 2005.
Ông Sarkozy với 'cuộc chiến Digan' ảnh 1

Các biện pháp xử phạt, thanh toán các trại bất hợp pháp hay trục xuất những người Digan gốc Rumani và Bungari đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền phản đối gay gắt. Thế nhưng chính việc cứng rắn này có thể mang lại cho ông Sarkozy- đang ngày càng mất lòng dân- vài điểm ưu thế trong mắt dân chúng.

Nikolai Sarkozy luôn tỏ ra cứng rắn trong các vấn đề về an ninh công cộng. Ngay từ thời còn là bộ trưởng nội vụ dưới thời tổng thống Jacques Chirac, ông đã nổi tiếng vì không chỉ phát biểu mạnh mẽ mà còn thực sự hành động cứng rắn đối với tội phạm và những kẻ gây rối pháp luật. Ví dụ năm 2005 đã xảy ra bạo loạn thường xuyên ở ngoại ô Paris, lúc đó ông Sarkozy đã "đổ dầu vào lửa” khi gọi những người biểu tình là "bọn nhãi ranh” khiến họ thêm nổi giận, tiếp tục các cuộc biểu tình bạo lực.

Bây giờ khi đang là tổng thống và ở trong hoàn cảnh tương tự, phản ứng của ông cũng không có gì khác biệt so với 5 năm trước đây. Cả nước Pháp bị chấn động khi những người Digan trong cơn cuồng nộ đã dùng rìu và các thanh sắt tấn công đồn công an, đốt các ô tô, chặt đổ cây cối ở vùng Saint Aignan trong thung lũng Loire.Cuộc bạo loạn này khởi nguồn từ việc cảnh sát đã bắn chết một thanh niên Digan 22 tuổi sau khi truy đuổi và anh ta cũng không chịu dừng lại tại điểm kiểm soát.

Những biện pháp cứng rắn

Ông Sarkozy với 'cuộc chiến Digan' ảnh 2

Sau cuộc họp nội các khẩn cấp hôm thứ tư 28/7, chính phủ đã tuyên bố sẽ thanh toán hơn 300 trại Digan bất hợp pháp, trong số đó hơn 200 trại đang có người Digan sinh sống. Bộ trưởng nội vụ Brice Hortefeux định nghĩa rằng các trại này chính là nguồn "buôn bán bất hợp pháp, ép buộc trẻ em đi ăn xin và làm mại dâm”.Tổng thống cũng ra lệnh trục xuất những người Digan cư trú bất hợp pháp tại Pháp, đồng thời văn phòng tổng thống ra thông báo sẽ thông qua luật bảo vệ an ninh công cộng ngay trong năm nay.

Hiện nay có khoảng 400 nghìn người sinh sống trong các cộng đồng du cư ở Pháp, và phần lớn trong số họ đã nhận được quốc tịch. Trong vòng 2 năm gần đây, có khoảng 20.000 người Digan di cư đến Pháp từ Rumani và Bungari sau khi hai nước này gia nhập liên minh châu Âu năm 2007-điều tạo điều kiện cho họ dễ dàng đi lại tự do giữa các nước trong khối. Theo luật, họ chỉ có thể cư trú dài hơn 3 tháng nếu có việc làm và hộ khẩu thường trú, nhưng đây là việc không đơn giản đối với người Digan.

Hôm thứ sáu 30/07/2010 tổng thống đã đưa ra đề nghị mới ở Grenoble nhằm mục đích có thể thu hồi lại quốc tịch Pháp đã cấp cho người nước ngoài- những người chủ ý gây nguy hiểm đến tính mạng của cảnh sát, những người giữ trật tự công cộng, hay bất cứ ai đang thi hành nhiệm vụ nhà nước. Ông còn muốn rằng những kẻ phạm tội vị thành niên sẽ không tự động được hưởng quyền công dân Pháp khi trưởng thành (18 tuổi)

"Cần cố gắng xứng đáng để được quốc tịch Pháp, và chứng minh sự xứng đáng với nó” – tổng thống bày tỏ ý kiến - "Nếu ai đó bắn vào người đang thi hành công vụ, người đó không xứng đáng là công dân Pháp”.

Tổng thống còn tuyên bố dứt khoát: "Chúng tôi sẽ xem xét lại những lí do có thể tước quốc tịch Pháp, tôi chịu trách nhiệm”. 

Phản kháng gay gắt

Phương hướng chỉ đạo này không có gì mới mẻ, đã có nhiều biện pháp tương tự được áp dụng. Năm ngoái, một số trại của người Digan đã bị phá hủy. Tháng 10/2009, theo lệnh của tòa án, cảnh sát đã xóa sổ một khu trại nằm ở phía bắc Paris. Chỉ riêng năm 2009, có gần 10.000 người Digan gốc Bungari và Rumani bị trục xuất khỏi Pháp-theo số liệu trả lời phỏng vấn của bộ trưởng nội vụ Bruce Hortefeux trên tờ New York Times.

Tuy nhiên các biện pháp hành động của chính phủ hiện nay có vẻ nghiêm khắc và toàn diện hơn, gây nên sự chống đối của các nhóm thiểu số và tổ chức nhân quyền. Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) lên tiếng cảnh báo, theo luật hiện hành những khu dân cư trên 5000 người cần đảm bảo diện tích riêng cho các cộng đồng du cư. Nhưng thực tế hơn một nửa số thành phố không đáp ứng được yêu cầu trên: hậu quả là nhiều trại du cư bất hợp pháp được mọc lên.

Những người khác không chỉ cảnh báo về sự lộn xộn của luật lệ, mà còn thẳng thắn kết tội ông Sarkozy là phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Theo họ, tổng thống đã xử những tội phạm cụ thể theo cơ sở lỗi cộng đồng.

"Nếu chúng ta thay từ Digan bằng từ Do Thái, sẽ thấy các câu nói của tổng thống dẫn đến đâu”- ông Jean Bierre Dubois, chủ tịch tổ chức nhân quyền Pháp nói. Tổ chức bảo vệ nhân quyền của người Digan UFAT đưa ra thông báo: "Như đã nhiều lần xảy ra trong lịch sử, người Digan trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các bê bối chính trị và tài chính của giới cầm quyền”.

Bê bối khác

Chuyên cơ Air Sarko One

Giữa thời kì khủng hoảng tổng thống đã đặt thay máy bay mới với tất cả tính năng xa xỉ như có cả phòng tắm trên máy bay.

Chỉ riêng để tổng thống có thể tự do hút thuốc, người ta đã phải sửa lại toàn bộ hệ thống cảnh báo an toàn.

Với giá 176 triệu EURO chuyên cơ Airbus- A330 mới của tổng thống được coi là chiếc máy bay dài và rộng nhất trong số các máy bay của các nguyên thủ châu Âu. Chuyên cơ mới này sẽ có tên Air Sarko One theo mô hình chiếc Force One của tổng thống Mỹ. 

Công luận đang hướng về các vụ bê bối của ông Sarkozy trong những tuần vừa qua. Đầu tháng 7/2010, văn phòng công tố Pháp đã tuyên bố mở cuộc điều tra những cáo buộc về việc tổng thống nhận tài trợ bất hợp pháp.

Trong cuộc bầu cử 2007, đảng của ông đã nhận 150.000 EURO từ người đàn bà giầu nhất nước Pháp-Liliane Bettencourt qua cựu giám đốc kế toán của bà, vợ ông Eric Woerth-bộ trưởng lao động, là người thân cận của tổng thống. Luật hiện hành chỉ cho phép các đảng nhận nhiều nhất là 7500 EURO tiền tài trợ tư từ mỗi người.

Tổng thống đã phản đối kịch liệt, bác bỏ những lời cáo buộc trên và cho rằng các đối thủ chính trị muốn bôi nhọ uy tín của ông. Thế nhưng ông lại yêu cầu bộ trưởng lao động Eric Woerth hãy rời bỏ chức vụ thủ quĩ đảng, với lí do cần tập trung hơn vào cuộc cải cách hưu trí đang gây nhiều tranh cãi.

Vụ bê bối nổ ra đã gây nhiều bất lợi cho ông, trong khi sự ủng hộ của dân chúng giành cho tổng thống đang giảm và chỉ còn hai năm nữa cho cuộc bầu cử tiếp theo,đảng Xã hội Pháp đang mạnh dần trở lại.

Một điều nữa cũng gây không ít bất bình trong dân chúng, giữa thời kì khủng hoảng tổng thống đã đặt thay máy bay mới với tất cả tính năng xa xỉ như có cả phòng tắm trên máy bay. Chỉ riêng để tổng thống có thể tự do hút thuốc, người ta đã phải sửa lại toàn bộ hệ thống cảnh báo an toàn. Với giá 176 triệu EURO chuyên cơ Airbus- A330 mới của tổng thống được coi là chiếc máy bay dài và rộng nhất trong số các máy bay của các nguyên thủ châu Âu. Chuyên cơ mới này sẽ có tên Air Sarko One theo mô hình chiếc Force One của tổng thống Mỹ.

Vậy mà trước đó chính ông vừa cách chức hai bộ trưởng vì lí do xài tiền công quá mức như mua xì gà và thuê máy bay riêng. Người phát ngôn chính phủ còn nói rằng dân chúng Pháp không chấp nhận những hành vi tiêu xài xa xỉ này trong khi họ cần tiết kiệm.

Theo cuộc trưng cầu dân ý đầu tháng 07 của CSA, chỉ có 32% dân Pháp coi những hành động của ông Sarkozy là đúng đắn- đây là số liệu thấp nhất kể từ khi ông ngồi ghế tổng thống.

Vẫn chưa rõ diễn biến của những biện pháp an ninh công cộng sẽ xảy ra thế nào. Nhưng theo thực tế trước đó, tổng thống có thể vớt vát phần nào sự ủng hộ của dân chúng. Những biện pháp cứng rắn năm 2005 đã đem lại những ủng hộ rõ rệt cho tổng thống, bất chấp sự phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Phan Bình
Theo MTI, Origo, Index

MỚI - NÓNG