Bắt bệnh nước Mỹ từ 'Chiếm phố Wall'

Bắt bệnh nước Mỹ từ 'Chiếm phố Wall'
TP - Occupy Wall Street (chiếm phố Wall) bắt đầu chỉ là một vài chục thanh niên trông như hippi, nhưng rồi đã thành làn sóng, có nơi lên cả ngàn người.

Tổng thống Obama thông cảm với phong trào “Chiếm Phố Wall”
> Người dân nhiều nơi 'chiếm giữ phố Wall'

Hiện nay, phong trào đã thu hút được cả những chính khách cao cấp. Trong khi đó, mùa bầu cử tại Mỹ bắt đầu khởi động.

Hai tuần rồi, đi làm buổi sáng ở Washington DC, tôi thấy xe cảnh sát đỗ các góc phố, đèn tín hiệu lập lòe. Chả hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ở đâu cũng thế thôi, dân chúng thấy cảnh sát lảng vảng là bắt đầu lo lắng.

Hóa ra phong trào chiếm lĩnh phố Wall (Occupy Wall Street) đã lan tới DC bằng cái tên Occupy DC - Chiếm DC. Nó đang lan rộng ra nhiều bang của Hoa Kỳ và thế giới, cả những quốc gia giàu có khác như Australia, New Zealand, Tây Ban Nha, Đức và Pháp. Đặc khu Hongkong và Seoul cũng không là ngoại lệ.

Sự bất bình của tầng lớp nghèo biến thành những cuộc biểu tình và nhiều nơi đã xảy ra bạo động, hàng ngàn người bị bắt. Nền văn minh và vị trí siêu cường của Hoa Kỳ đang đứng trước những thách thức mới.

Kinh tế gia bắt bệnh

Mọi thứ đều có nguyên do của nó. Mới đây, trong cuộc họp thường niên của IMF và WB, tôi được nghe ông Jeffrey Sachs, một nhà kinh tế vĩ mô, thuyết trình trong hơn một giờ tại Washington DC.

Từng là giáo sư kinh tế trẻ nhất ở Harvard, tác giả của hai cuốn sách bán chạy nhất của New York Times là “The End of Poverty - Kết thúc nghèo đói” và “Common Wealth - Tài sản chung”, được tạp chí Times chọn vào danh sách 100 người ảnh hưởng đến thế giới năm 2004 và 2005, rồi trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc trong dự án Thiên niên kỷ, Jeffrey Sachs bàn về những điều ông viết trong cuốn sách “The Price of Civilization” (Cái giá của nền văn minh) vừa xuất bản.

“Tôi không đủ điều kiện để vận động hành lang. Tôi là 99%”, “Đừng tham nhũng nữa”. Những khẩu hiệu này đang truyền đi khắp thế giới
“Tôi không đủ điều kiện để vận động hành lang. Tôi là 99%”, “Đừng tham nhũng nữa”. Những khẩu hiệu này đang truyền đi khắp thế giới.

Giống như một nhà truyền giáo, Jeffrey Sachs đi khắp thế giới, khuyên nhủ con đường phát triển cho nhiều nước nghèo, đang phát triển, nhất là khối Đông Âu và Liên Xô cũ, Ấn Độ và cả
Trung Quốc.

Một hôm, ông bỗng nhận ra, phải làm gì đó cho chính đất nước Hoa Kỳ của mình. Suy thoái trong kinh tế thời gian qua, làm cho siêu cường đi xuống, sức mạnh chính trị và văn hóa Mỹ đang đứng trước hiểm họa. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi về chủ nghĩa tư bản có đang giãy chết hay giấc mơ Mỹ liệu có thành ác mộng.

Ông cho ví dụ rất sinh động. Nước Mỹ có chú Lừa và anh Voi chuyên đá nhau. Chú Lừa (đảng Dân chủ) có mỗi một từ “Stimulus-kích cầu” và anh Voi (đảng Cộng hòa) có một từ “Cut- cắt”, cắt chi tiêu và giảm thuế. Cứ thế trong Quốc hội tha hồ cãi nhau, bỏ phiếu, chế giễu lẫn nhau từ mấy năm nay.

Tổng thống Barack Obama vào Nhà Trắng có 700 tỷ đô la trong túi làm gói kích cầu. Sau hai năm, số tiền khổng lồ kia mất hút, nạn thất nghiệp vẫn ở mức 9%-10% (khoảng 13-15 triệu người không công ăn việc làm), thị trường bất động sản mãi không khởi sắc, cho dù lãi suất cho vay đã gần tới đáy (3,5% trả góp trong 30 năm - thấp chưa từng có).

Trong khi đó, đảng Cộng hòa luôn yêu cầu Chính phủ phải giảm chi tiêu công, các bộ ngành phải thắt lưng buộc bụng.

Jeffrey Sachs cho rằng, cả hai giải pháp “kích cầu và cắt cúp” đều thất bại vì tầm nhìn hạn hẹp, mang yếu tố chính trị nhiều hơn và không tìm ra gốc rễ vấn đề của thảm họa kinh tế, tài chính.

Cái giá của nền văn minh

Hoa Kỳ đang bị cuộc toàn cầu hóa cuốn trôi. Việc làm đã ra khỏi biên giới, thu nhập quốc gia giảm sút, mất việc nhiều hơn, và hiểm họa môi trường treo lơ lửng. Trong khi xã hội tiêu dùng kiểu Mỹ chưa biết thay đổi cho hợp với hoàn cảnh mới.

Từ năm 1985, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có 3,9 tỷ đô la, chiếm khoảng 0,09% của GDP. Nhưng tới năm 2009, thì số tiền đã là 296,4 tỷ đô la, tương đương với 2,1% GDP. Và người Mỹ mất 2 triệu việc làm cho Trung Quốc kể từ 1998 đến 2009 trong khi Hoa Kỳ đang có từ 12 đến13 triệu người mất việc. Siêu cường đang lung lay là phải thôi.

Thống kê cho thấy 1% dân số là người giàu ở Mỹ đã chiếm tới 25% GDP (GDP năm 2010 vào khoảng 14,5 nghìn tỷ đô la), và chỉ 0,01% số nhà giàu cũng đã chiếm tới 5% GDP. Như vậy sự chênh lệch giàu nghèo là rất lớn.

Chuyên gia J.Sachs cho rằng, người giàu ở Mỹ không lo cho 99% dân số còn lại Ảnh: T.L
Chuyên gia J.Sachs cho rằng, người giàu ở Mỹ không lo cho 99% dân số còn lại Ảnh: T.L.

Ông J.Sachs cho rằng, kinh tế Mỹ khủng hoảng là do phẩm hạnh công dân của những nhà chính trị và kinh tế cao cấp có chiều hướng đi xuống. 1% người giàu kia đã lũng đoạn hệ thống chính trị, truyền thông và điều khiển cả bộ máy bầu cử khổng lồ của Mỹ. Thay vì mang việc làm cho dân sở tại, họ mang ra nước ngoài vì lợi nhuận là trên hết.

Hệ thống pháp luật công bằng, xã hội tiêu dùng chuyên kích cầu cho kinh tế năng động, và kể cả bầu cử tự do dân chủ cũng không đủ, nếu như số 1% (hay 0,01%) người giàu kia không hành xử một cách đàng hoàng, trung thực, có tấm lòng đối với 99% dân số
còn lại.

Như vậy, theo Jeffrey Sachs, đạo đức trên thượng tầng kiến trúc bị lung lay đã làm cho kinh tế khủng hoảng. Dân chúng mất niềm tin vào chính phủ, vào hệ thống ngân hàng và các công ty cá mập vốn tham lam từng xu của người thu nhập thấp.

Thống kê cho hay, có tới 69% dân Mỹ không tin vào hệ thống ngân hàng và tài chính, 65% không tin Chính phủ, Quốc hội, và các đại công ty. Trong lúc đó, niềm tin vào nhà thờ và các tổ chức tín ngưỡng, các công ty nhỏ, công ty điện tử, các trường đại học lại vượt trên 60%.

Jeffrey Sachs nói rõ, nếu không tìm ra cách chữa chạy kịp thời thì Hoa Kỳ khó mà giữ được vị trí siêu cường.

Ông kết luận, cái giá để tiến tới nền văn minh không rẻ. Để đạt được điều đó, cần 8 mục tiêu cụ thể tới năm 2015-2020, như giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 9% hiện nay xuống 5%, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm nghèo xuống 7%, tránh thảm họa môi trường, cân bằng chi tiêu trong chính phủ, cải thiện chính quyền, chi tiêu hợp lý cho quân sự, kết thúc chiến tranh Iraq và Afganistan, nâng độ hạnh phúc và sự hài lòng về cuộc sống trong nhân dân.

Người Mỹ, nhất là những người giàu có trong số 1% kia, cần phải là những công dân tốt: đóng thuế đàng hoàng, suy ngẫm sâu sắc về những đòi hỏi của xã hội mà hành xử cho đúng, thận trọng hướng dẫn thế hệ trẻ và nhân tâm của họ chính là chất keo gắn kết xã hội.

Jeffrey Sachs kể vui rằng, vợ ông là bác sỹ. Bắt chước vợ, ông chẩn bệnh cho kinh tế Mỹ và “kê đơn” kiểu kinh tế gia - bác sỹ. Không tìm ra ngọn nguồn của bệnh tật, làm sao có thể cấp thuốc cho đúng toa và mong người bệnh qua hiểm nguy, mới mong hết chiến dịch biểu tình chiếm phố Wall đang thành vấn nạn toàn cầu vì sự bất bình đã lên tới mức
báo động.

Điều đó đúng với một siêu cường như Hoa Kỳ, đúng với cả thế giới còn lại.

Jeffrey Sachs cho rằng, cả hai giải pháp “kích cầu và cắt cúp” đều thất bại vì tầm nhìn hạn hẹp, mang yếu tố chính trị nhiều hơn và không tìm ra gốc rễ vấn đề của thảm họa kinh tế, tài chính.

Hiệu Minh
Từ Washington DC, Mỹ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG