Kết quả hội nghị hạt nhân còn khiêm tốn

Kết quả hội nghị hạt nhân còn khiêm tốn
TPO - Lãnh đạo của 53 quốc gia tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã đi đến cam kết chung về tăng cường an ninh hạt nhân, ngăn chặn khủng bố hạt nhân và đảm bảo an toàn nguyên tử.

Hội nghị cũng nhất trí đưa những sửa đổi, bổ sung Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) trở nên có hiệu lực vào năm 2014.

Theo thông cáo được đưa ra trong hội nghị, các nhà lãnh đạo căn bản vẫn dựa vào “cam kết chính trị từ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2010 tại Washington theo hướng tăng cường an ninh hạt nhân, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân và ngăn chặn khủng bố, tội phạm hay những hành động trái phép nhằm sở hữu nguyên liệu hạt nhân”.

Khủng bố hạt nhân là một trong những mối đe dọa thách thức nhất đối với an ninh quốc tế. Thông cáo cũng cho rằng “việc chống lại mối đe dọa này đòi hỏi các biện pháp mang tính quốc gia và hợp tác quốc tế”.

Hội nghị cũng nhất trí rằng các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân sẽ không làm cản trở đến quyền phát triển và sử sụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình của các nước. Đồng thời hội nghị cũng tái khẳng định “mục tiêu chung là giải trừ vũ khí hạt nhân, không phát triển hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình”.

Kế hoạch hành động lần này cũng dựa trên hội nghị năm 2010 tại Washington. Theo đó, kế hoạch bao gồm việc bảo vệ vật liệu hạt nhân nguy hiểm như giàu uranium và plutonium, tăng cường bảo vệ các cơ sở hạt nhân, kết hợp giữa an ninh hạt nhân và an toàn hạt nhân và ngăn chặn buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh cho biết thành tích chính của hội nghị là các bước giảm làm giàu uranium và plutonium, chìa khóa để ngăn chặn khủng bố hạt nhân.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các nước đã gửi kế hoạch của mình nhằm giảm làm giàu uranium vào cuối năm sau, các quốc gia cũng đồng ý cắt giảm lượng dự trữ. Tuy nhiên thông cáo không đề cập đến mục tiêu cắt giảm cụ thể.

Các nhà phân tích cho rằng tiến bộ của hội nghị lần này còn khiêm tốn do thông cáo của hội nghị năm nay không có cải tiến đáng kể so với cam kết trong Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân đầu tiên ở Washington vào năm 2010.

Ông Shin Chang-hoon, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý trong việc cắt giảm nguyên liệu hạt nhân của các quốc gia. Nó phụ thuộc vào cam kết tự nguyện của các quốc gia tham dự tuân theo thông cáo”. Một điểm yếu nữa của thông cáo là không có cơ chế xác minh cam kết của mỗi quốc gia.

Phan Yến
Theo Dịch
MỚI - NÓNG