Vì sao Mỹ “sốt sắng” về vụ Trần Quang Thành?

Vì sao Mỹ “sốt sắng” về vụ Trần Quang Thành?
TP - Cuộc hội đàm cấp cao về chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã u ám ngay từ những phút đầu tiên trước vụ việc của nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành.

 > Luật sư khiếm thị Trung Quốc rời sứ quán Mỹ

Luật sư Trần Quang Thành. Ảnh: AP
Luật sư Trần Quang Thành. Ảnh: AP.

Ông Thành, người đã “trốn khỏi nhà riêng” ở tỉnh Sơn Đông, nơi ông bị “giam lỏng”, bí mật tới Bắc Kinh, trú ngụ trong Đại sứ quán Mỹ gần một tuần.

Để rồi sau đó, từ bệnh viện, nơi được cảnh sát Trung Quốc canh gác nghiêm ngặt, ông Trần gọi điện thẳng tới một buổi điều trần của Quốc hội Mỹ, đề nghị được giúp đỡ và bảo vệ.

Ông Thành muốn cùng gia đình rời Trung Quốc. Ngày 4-5, phía Trung Quốc nói ông có thể nộp đơn xin du học nước ngoài.

Vì sao một công dân Trung Quốc lại có thể tạo ra đám mây bao phủ những vấn đề quan trọng trong bang giao giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới?

Cũng cần nhắc lại rằng, trường hợp của ông Trần, một người bị mù từ nhỏ, hành nghề châm cứu và massage như bao nhiêu người khiếm thị ở Trung Quốc, khác hẳn vụ việc Phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô mới đây.

Và thái độ của Mỹ trong hai vụ việc này hoàn toàn khác nhau. Ở vụ Vương Lập Quân, các quan chức Mỹ gần như cố gắng tạo ra thái độ “không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Cũng có một lý do dễ nhận thấy nữa là lúc đó Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Mỹ.

Nhưng lần này thì khác hẳn. Dù ai cũng biết Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có chuyến thăm Trung Quốc. Sự khác biệt này đến từ đâu?

Vương Lập Quân, dù là quan chức cấp cao, nhưng phạm vi ảnh hưởng cá nhân chỉ gói gọn trong lãnh thổ Trung Quốc. Trong khi ấy, người tàn tật Trần Quang Thành từ nhiều năm nay đã được phương Tây coi là một “biểu tượng của tự do”, cho dù quan điểm chính trị của ông Trần cho đến giờ vẫn chưa rõ ràng.

Năm 2005, ông Trần trở nên nổi tiếng khi chống lại cái mà ông cho là sự cưỡng bức phá thai để phục vụ chính sách một con của nhà nước Trung Quốc. Ông Trần đã phải ngồi tù hơn 4 năm sau vụ việc.

Cũng từ đó, trên phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, ông Trần, người luôn xuất hiện với cặp kính đen, trở thành một nhân vật có ảnh hưởng xã hội vượt khỏi biên giới Trung Quốc.

Hồi tháng 12 năm ngoái, đoàn làm phim của hãng CNN và tài tử thủ vai Batman trong phim “Người dơi”, Christian Bale có ý định ghé thăm ông Trần khi họ đến quay phim ở Trung Quốc, nhưng bị nhà chức trách ngăn cản. Sự kiện này thêm một lần nữa khiến tên ông Trần được nhắc trên khắp thế giới.

Và khi “biểu tượng của tự do” ấy đến tòa đại sứ Mỹ, trước sức ép của đảng Cộng hòa rằng phe Dân chủ đã “quá nhân nhượng với Trung Quốc”, chính quyền của Tổng thống Obama đã phải tạm gác một số “đầu việc” dự kiến mang ra “mặc cả” với Bắc Kinh để tập trung vào vụ Trần Quang Thành.

Thêm một lý do nữa: “lá bài” nhân quyền luôn nằm cao trong chương trình nghị sự của Washington khi giao thiệp với các nước khác ý thức hệ, đặc biệt là Trung Quốc, nên không thể bỏ mặc một nhân vật được coi là biểu trưng của tự do.

Tuy nhiên, những vấn đề thương mại song phương, vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế như hạt nhân Iran, xung đột ở Syria… khó có thể vì vụ Trần Quang Thành mà bị che lấp. Nên những bước đi tiếp theo của chính quyền Mỹ chắc chắn rất đáng theo dõi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG