Philippines cần phản ứng như Nga

Philippines cần phản ứng như Nga
TP - Ngày 20-7, giới chức an ninh Philippines cho biết, Trung Quốc đang đưa thêm tàu thuyền tới bãi cạn Scarborough, với sự hiện diện của khoảng 30 chiếc; đồng thời thả neo một tàu quân sự tại bãi đá tranh chấp Subi.

> Trung Quốc đang đánh bắt cá trái phép ở Trường Sa

Tàu đổ bộ số hiệu 934 của Trung Quốc thả tại bãi đá Subi. Ảnh: Philippines Star
Tàu đổ bộ số hiệu 934 của Trung Quốc thả tại bãi đá Subi. Ảnh: Philippines Star .

Để lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines có thể đáp trả mạnh mẽ như phía Nga mới làm với phía Trung Quốc (bắt giữ hai tàu và 36 ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nga), đồng thời bảo vệ hiệu quả chủ quyền khỏi sự xâm phạm của tàu nước ngoài, năng lực trên biển và trên không của Philippines phải được tăng cường, thượng nghị sĩ Philippines Miriam Defensor Santiago nói.

Tàu Trung Quốc tăng 10 lần

Số lượng tàu cá Trung Quốc đang có mặt trong khu vực Scarborough nhiều gấp 10 lần số tàu được phát hiện hồi đầu tháng. Các tàu Trung Quốc có vẻ sẽ tiếp tục đánh bắt, theo báo cáo của các quan chức giám sát tình hình khu vực đưa ra hôm 20-7.

“Có lẽ do thiếu biện pháp ngăn cản. Nếu có ai đó canh gác khu vực này thì họ (ngư dân Trung Quốc) sẽ phải cân nhắc trước khi tới đó”, một quan chức Philippines nói.

Hiện nay, Philippines không còn tàu cá nào tại Scarborough. Hai con tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Cục Đánh bắt và Nguồn lợi thủy sản của Philippines được cử tới khu vực để thể hiện chủ quyền của nước này.

Hai tàu của Philippines hay giáp mặt các tàu của Trung Quốc, từ khi tàu Trung Quốc bắt đầu tới khu bãi cạn hồi tháng 4.

Ngày 20-7, Philippines thông báo, tàu hải quân nước này vừa phát hiện một tàu đổ bộ của Trung Quốc thả neo tại bãi đá tranh chấp Subi. Đó là tàu đổ quân và hậu cần mang số hiệu 934 thuộc lớp Yuting được trang bị 3 súng hạng nặng, các cần cẩu và một bãi đáp trực thăng.

Hình ảnh tàu 934 được chụp bởi máy bay giám sát của Bộ chỉ huy phía Tây (Wescom) thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines ở tỉnh Palawan.

Tướng Juancho Sabban, Tư lệnh Wescom, đã ra lệnh tăng cường tuần tra trên biển và trên không trong khu vực tranh chấp, sau khi một tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mắc cạn ở vùng phụ cận của bãi Trăng Khuyết.

“Philippines cần phản ứng như Nga”

Thượng nghị sĩ Santiago nói rằng, năng lực hiện tại của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines chưa thể giúp họ phản ứng thích đáng với các tàu của nước ngoài, như tàu của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

“Chúng ta không thể đuổi họ đi. Chúng ta không có tàu bảo vệ bờ biển hiện đại để làm điều đó. Chúng ta không thể thực hiện điều đó một mình… Đó là lý do các đồng minh của chúng ta ở các quốc gia phát triển nên tăng cường giúp đỡ bằng cách cung cấp máy bay, máy bay giám sát tầm xa”, bà Santiago nói. Theo bà, Philippines cần phản ứng như Nga.

Nhiều nước muốn ký thoả thuận với Philippines về việc các lực lượng thăm viếng lẫn nhau (SOVFA), nhưng bà Santiago cảnh báo: “Họ phải chứng tỏ sự chân thành với chúng ta trước đã”.

Ví dụ, Úc phải thể hiện sự quan tâm và cung cấp phương tiện cho Philippines để Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này sử dụng, trước khi Thượng viện Philippines bỏ phiếu thông qua SOVFA, bà Santiago nói.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Aquino nói rằng, chính phủ của ông “đang chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ”, đề phòng trường hợp căng thẳng leo thang, dù ông nhấn mạnh Trung Quốc cũng sẽ tránh xung đột quân sự.

Tổng thống Aquino nói rằng, Philippines đã lùi bước để duy trì hoà bình trên biển Đông.

“Chúng tôi nỗ lực giữ ở mức càng hợp lý càng tốt. Chúng tôi nỗ lực xem xét vấn đề từ quan điểm của đối phương. Chúng tôi cũng đang chờ đợi phản ứng thích đáng từ phía họ (Trung Quốc)”, Tổng thống Philippines nói.

Tổng thống Philippines nhắc lại rằng, hải quân nước này đã rút khỏi bãi cạn Scarborough để tàu tuần tra bờ biển của nước này có mặt, nhằm thể hiện quan điểm giải quyết sự việc một cách phi quân đội.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Galvez, tuyên bố Philippines sẽ tiếp tục con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề. “Chúng tôi vẫn tin rằng, tại thời điểm này, hoà bình vẫn sẽ đạt được và như chúng tôi đã nói, việc sử dụng vũ lực không phải là giải pháp”, ông Galvez nói.

Gia Tùng
Theo Philippine Star

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG