Mỹ khẳng định thêm vai trò ở Biển Đông

Mỹ khẳng định thêm vai trò ở Biển Đông
TP - Với việc Thượng viện mới đây thông qua Nghị quyết S.Res.524 về biển Đông, Mỹ chính thức khẳng định một vai trò lớn hơn trong đảm bảo các quyền tự do hàng hải và vùng trời ở Biển Đông.

> TQ triệu tập phó đại sứ Mỹ vì biển Đông

> Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông

Nếu đặt động thái thông qua nghị quyết trong bối cảnh chính quyền Obama đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình, có thể thấy Mỹ cần thêm những bước đi cụ thể để tái khẳng định lợi ích của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải và đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực.

Những diễn biến phức tạp của tình hình tại đây đã tạo chất xúc tác để Mỹ tiếp tục khẳng định lập trường theo hướng ngày càng ít mập mờ hơn.

Trong một thời gian dài, Mỹ thường xuyên thể hiện một thái độ trung lập có phần mập mờ về tranh chấp ở Biển Đông.

Các chính quyền và Quốc hội Mỹ vẫn lặp lại sáo ngữ: Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp. Một trong những tác giả của Nghị quyết S.Res.524, Thượng nghị sĩ Jim Webb, trước đây phát biểu: “Mỹ không tham gia vào vấn đề cũng là một cách thể hiện lập trường”.

Tuy nhiên, dường như lập trường đó đã có sự thay đổi nhất định, sau khi Mỹ nhận thấy vấn đề Biển Đông không chỉ đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ chủ quyền giữa các bên có liên quan; mà còn trực tiếp ảnh hưởng việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, cũng như tạo ra nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và các thách thức an ninh phi truyền thống khác.

Đặc biệt, là siêu cường hải quân, đối với Mỹ, việc duy trì quyền tự do lưu thông hàng hải chiếm vị trí tối quan trọng. Hải quân Mỹ luôn đặt ưu tiên “chống từ chối tiếp cận” trong chiến lược đối với khu vực.

Nội dung của Nghị quyết S.Res.524 xoanh quanh việc Mỹ sẽ có những hành động cụ thể để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Biển Đông.

Nghị quyết đáng chú ý ở chỗ nó phát triển lên từ cơ sở trước đó Quốc hội Mỹ tổ chức nhiều phiên điều trần về vấn đề Biển Đông.

Đây là lần đầu một dự thảo nghị quyết có tính chất tương tự được thông qua. Nó cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối tại Thượng viện.

Theo lời Thượng nghị sĩ Jim Webb, Mỹ sẽ tiếp tục có những “hành động trên thực tế” để cụ thể hóa tuyên bố này.

Trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa bỏ phiếu phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nghị quyết trên sẽ giúp Mỹ can dự sâu thêm một bước trong vấn đề Biển Đông.

Có lẽ một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mà cả Mỹ, Trung Quốc và các nước ASEAN đã bày tỏ ủng hộ, sẽ trở nên cần thiết hơn cho Biển Đông trong bối cảnh này.

Bởi vậy, như ASEAN, các bên liên quan cần thể hiện thiện chí bằng hành động cụ thể để COC sớm trở thành hiện thực để ngăn ngừa những tình huống ngoài mong đợi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG