Biển Đông và Indonesia: Song trùng lợi ích

Biển Đông và Indonesia: Song trùng lợi ích
TP - Lần đầu tiên vấn đề biển Đông được Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nêu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, bên lề hội nghị vào tháng 9 vừa qua, Indonesia chủ động tham vấn giữa các nước ASEAN, hi vọng đạt được tiến triển về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trước thềm Hội nghị Thượng định Đông Á (EAS) lần thứ 7 sắp diễn ra.

Trước đó, nhờ hoạt động ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia đến Philippines, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Singapore, các nước ASEAN đã đạt thống nhất về một bản Tuyên bố 6 điểm trong vấn đề biển Đông.

Năm ngoái, khi giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Indonesia đã tích cực cùng các bên liên quan thúc đẩy các bên đi đến Bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tạo ra một bước đệm sau gần 10 năm ký kết DOC trước khi các bên có thể đồng ý về một bộ quy tắc mang tính ràng buộc.

Từ năm 1990, Indonesia đã tổ chức, chủ trì những hội thảo thường niên về quản lý xung đột tiềm ẩn tại biển Đông.

Không phải là một nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc nên những hành động mang tính chất vì cộng đồng của Indonesia như vậy là một cách tiếp cận thông minh và hợp lý với hoàn cảnh hiện tại.

Những đóng góp của Indonesia cũng song trùng với lợi ích của nước này. Tuy không trực tiếp vướng tranh chấp biển Đông nhưng lại là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới nên người Indonesia hiểu rằng, những căng thẳng, bất ổn tại vùng biển này sẽ có những tác động không nhỏ đến hòa bình và an ninh của đất nước họ.

Hơn nữa, Indonesia khá lo ngại về yêu sách lãnh thổ mập mờ của nước khác, liệu “đường đứt khúc 9 đoạn” có bao gồm cả quần đảo Natuna hay không?

Những động thái của Indonesia trong vấn đề biển Đông cũng đồng nhất với chiều hướng chính sách đối ngoại của nước này.

Trong định hướng chính sách với các “vòng tròn đồng tâm”, Indonesia đặt ASEAN vào vòng tròn đầu tiên, coi các nước này là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại.

Indonesia cũng cho rằng sự gắn kết chính trị của khu vực được thể hiện thông qua ASEAN là nhân tố then chốt đối với hòa bình và ổn định khu vực. Do đó, cùng các nước trong khối giải quyết tranh chấp trên biển cũng có thể được coi là ưu tiên của Indonesia.

Là một trong những thành viên sáng lập phong trào Không liên kết, Indonesia luôn duy trì chính sách độc lập, tự chủ, giảm sự phụ thuộc của khu vực vào những cường quốc quân sự bên ngoài.

Từ năm 1971, khi Chiến tranh lạnh đang ở thời kỳ cao điểm, Indonesia đưa ra sáng kiến về một Khu vực Hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), với mục đích không để các nước ASEAN bị cuốn vào cuộc chiến giữa hai siêu cường.

Hiện nay, để thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển, Indonesia chủ động gắn kết các nước trong khu vực, nhằm tạo được sự đồng thuận, mang đến tiếng nói tập thể có trọng lượng hơn của cả khối.

Indonesia cũng là nước có kinh nghiệm trong việc làm trung gian giải quyết các tranh chấp khu vực.

Trong lịch sử, khi mà vấn đề Campuchia gây căng thẳng tình hình khu vực, Indonesia là nơi gặp gỡ không chính thức của các bên trong tranh chấp để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề này. Hay năm ngoái, Indonesia đứng ra giải quyết đụng độ biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.

Là một quốc gia tầm trung, với dân số, diện tích cũng như GDP lớn nhất của ASEAN, Indonesia được coi như đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của tổ chức này.

Cho dù ASEAN có đạt được thỏa thuận về COC tại EAS vào tháng 11 tại Campuchia hay không, thì những nỗ lực của Indonesia là hết sức đáng ghi nhận, không chỉ góp phần giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông mà còn đóng góp cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015.

Hành động của Indonesia về vấn đề biển Đông chỉ là một trong nhiều ví dụ của nỗ lực hành động cho công việc chung của ASEAN.

Hiện tại, mỗi nước thành viên đều có quá nhiều những mối lo riêng: Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia trong tranh chấp biển Đông với Trung Quốc; Lào và các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam xung quanh vấn đề xây dựng đập trên dòng chính Mekong; Myanmar bận rộn với tiến trình cải cách, dân chủ trong nước; trong khi Singapore cũng có những câu chuyện riêng.

Để tiến tới một Cộng đồng với mức độ gắn kết sâu rộng vào năm 2015, ASEAN cần thêm nhiều những hành động vì cộng đồng này như của Indonesia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.