Con đường tới thành công của ông Tập Cận Bình

Con đường tới thành công của ông Tập Cận Bình
Tân Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình đã trải qua một cuộc đời và sự nghiệp chính trị đầy biến cố. Ông được nhiều người cho là chân thành, thẳng thắn và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức.

 Ông Tập Cận Bình được bầu là Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc

 Ông Tập Cận Bình - Tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: News.cn
Ông Tập Cận Bình - Tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: News.cn.

Trong bảy ủy viên thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa ra mắt ngày 15-11, ông Tập Cận Bình là người duy nhất lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ ở Trung Nam Hải, nơi sinh sống của những lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc, rồi sau đó lại phải trải qua những ngày cải tạo cơ cực ở vùng nông thôn trong cách mạng văn hóa.

Cho tới năm 9 tuổi, ông Tập vẫn được đi cùng cha, phó thủ tướng Tập Trọng Huân, trên chiếc Limousine của riêng ông. Nhưng từ năm 1962, ông Huân thất sủng vì ủng hộ việc xuất bản một cuốn sách được cho là có ý chỉ trích chủ tịch Mao Trạch Đông. Ông bị quản thúc tại gia tới năm 1978 trong khi con trai ông, ở tuổi 16, bị gửi tới một nông trại ở Sơn Tây, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.

Nhưng chính ở đó, ông Tập Cận Bình học được nhiều điều có ích cho sự nghiệp sau này. Những người nông dân rất thích chàng trai trung thực và khỏe mạnh. Ông tham gia các trận đấu vật với người dân địa phương và lao động chăm chỉ, với những lần vác những chiếc giỏ nặng đi khắp miền núi non hiểm trở. Một nông dân địa phương quen biết ông từng mô tả ông Tập là người “chân thành và trung thực, dễ mến và gần gũi mọi người”, theo báo Hong Kong South China Morning Post.

Bảy năm sau, cách mạng văn hóa kết thúc và ông Tập rời nông trại. “Thật đầy cảm xúc - ông Tập sau này nhớ lại - Và khi những lý tưởng cách mạng văn hóa không thành hiện thực, hóa ra đó chỉ là ảo ảnh”. Ông học kỹ sư hóa ở Đại học Thanh Hoa, rồi gia nhập quân đội. Trên đường lên tới quyền lực cao nhất, ông Tập kinh qua nhiều chức vụ khác nhau ở các địa phương, tỉnh Hà Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải. Ở tỉnh Hà Bắc, ông được đặt biệt danh “Thần tài” sau khi xây dựng khu công viên chủ đề Tây du ký. Ông cũng có tiếng là không ngại vượt rào nếu cần.

Được cho là gần gũi giới kinh doanh, ông Tập từng có nhiều chính sách tích cực để thu hút đầu tư nước ngoài ở Phúc Kiến và Chiết Giang. Năm 2005, khi làm bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, ông từng nói với truyền thông rằng “chính phủ nên là một chính phủ hạn chế”, một quan điểm tương đối cấp tiến về việc thu nhỏ quy mô chính quyền phổ biến hơn ở phương Tây. Ông nói có những vấn đề chính quyền không thể giải quyết được, và khi đó phải trả lại quyền lực cho người dân để giải quyết.

Ông Tập cũng có tiếng là người không chấp nhận các quan chức tham nhũng với hai lần tỏ ra mạnh tay khi còn làm quan chức cấp tỉnh. Tại Phúc Kiến, ông góp sức dọn dẹp vụ tham nhũng nghiêm trọng vào cuối những năm 1990 liên quan tới trùm buôn lậu Lại Xương Tinh. Năm 2004, ông nói với các quan chức rằng: “Phải biết tề gia, đừng để vợ con, người thân, bạn bè và cấp dưới làm loạn, không được dùng quyền lực để thu lợi lộc”.

Theo Hải Minh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG