GS Thayer vạch rõ tham vọng của Trung Quốc

GS Thayer vạch rõ tham vọng của Trung Quốc
TP - Trả lời phỏng vấn Tiền Phong  ngày 15-1, GS.TS Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - người có nhiều bài báo, sách phân tích sâu về các vấn đề an ninh, quân sự châu Á, nói rằng, Trung Quốc đang phát triển các đội tàu bán quân sự và quân sự để phục vụ mưu đồ độc chiếm khai thác tài nguyên biển Đông.

> Trung Quốc kỳ vọng gì ở ‘người khổng lồ biết bay’ Y-20?
> Trung Quốc lộ diện máy bay vận tải quân sự khổng lồ

Ngày 10-1, Cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc Lưu Tích Quý tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục điều tàu hải giám chặn tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Chiến lược tầm xa của Trung Quốc đã rất rõ. Trung Quốc tìm cách kiểm soát việc khai thác tài nguyên trên biển Đông mà nước này tuyên bố là của mình. Trung Quốc đã đánh bắt hải sản quá mức gần đảo Hải Nam và đội tàu cá của nước này đang cả gan tiến sâu hơn về phía nam.

Trung Quốc sẽ sử dụng các tàu phi quân sự, đặc biệt là tàu của lực lượng hải giám, để thi hành quyền thực thi pháp lý của mình.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tìm cách làm gián đoạn các hoạt động thăm dò dầu mỏ của Philippines ở vùng biển tranh chấp. Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực đối với Philippines và Việt Nam để cùng thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí thông qua cái gọi là cùng phát triển.

Cần phải nhớ rằng, Trung Quốc gần như đã thôn tính bãi cạn Scarborough bằng cách duy trì sự hiện diện lâu dài ở đó. Các tàu của Trung Quốc bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Họ dựng lên một rào cản chắn lối vào bãi cạn.

Phía Philippines không đủ liều lĩnh để dỡ bỏ barie hoặc bơi vào bãi cạn. Nói cách khác, Trung Quốc đã thành công trong việc làm suy yếu dần chủ quyền của Philippines ở khu vực này.

GS.TS Carlyle A. Thayer nói rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng tàu hải giám để gây hấn. Ảnh: China Defense
GS.TS Carlyle A. Thayer nói rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng tàu hải giám để gây hấn. Ảnh: China Defense.

Trung Quốc đang tăng cường các đội tàu bán quân sự để kiểm soát tài nguyên, bởi vì lực lượng bảo vệ bờ biển của cả Philippines và Việt Nam đều yếu.

Trung Quốc có những kế hoạch lớn để mở rộng các đội tàu bán quân sự trong những năm tới. Cùng lúc đó, Trung Quốc ưu tiên phát triển hạm đội Nam Hải. Hạm đội này đang tiếp nhận những tàu khu trục và tàu hộ tống mới nhất. Những tàu chiến này sẽ hỗ trợ lực lượng bán quân sự khi có xô xát xảy ra.

Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, nhận định, năm 2013, Trung Quốc có khả năng bị “bao vây”, “đánh úp”, nên nước này buộc phải tăng cường tiềm lực quân sự trên biển Đông?

Tướng La Viện được nhiều người để ý vì có kiểu nói vỗ vào mặt và có quan điểm dân tộc chủ nghĩa về khu vực không giống ai.

Theo định nghĩa, biển Đông là vùng biển bị che một nửa, tiếp giáp Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

Trước năm 1988, Trung Quốc không có sự hiện diện về mặt vật chất ở biển Đông. Năm 1988, nước này đụng độ hải quân với Việt Nam và chiếm một số khu vực. Trung Quốc chiếm thêm vào đầu những năm 1990 và đỉnh điểm là chiếm đóng đảo đá Vành Khăn.

Vì bước vào biển Đông theo cách như vậy, nên không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bị vây quanh về mặt địa lý của các quốc gia duyên hải.

Ngoài ra, việc Trung Quốc gia tăng đòi hỏi chủ quyền biển đảo cũng thúc đẩy một số hợp tác giữa các quốc gia duyên hải với nhau và với các cường quốc biển có lợi ích chiến lược trong việc giữ nguyên hiện trạng, duy trì tự do hàng hải, quyền cho máy bay bay qua và thương mại hợp pháp thông suốt.

Có một “lời nguyền lịch sử” rằng, Trung Quốc, một cường quốc lục địa có quá nhiều láng giềng vây quanh, sẽ bị vây quanh mãi mãi. Và khi Trung Quốc bước vào vùng biển mà các quốc gia duyên hải tuyên bố chủ quyền và bị vây quanh, nước này không thể trách ai khác, ngoài việc tự trách mình.

Theo ông, sắp tới Trung Quốc sẽ có những động thái mới gì trên biển Đông?

Trung Quốc mới đây tuyên bố rằng, quy định mới của chính quyền tỉnh Hải Nam (chặn bắt, khám xét… tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông) chỉ áp dụng với lãnh hải 12 hải lý quanh Hải Nam.

Theo luật quốc tế, Trung Quốc có chủ quyền tuyệt đối đối với vùng biển đó và không phận phía trên. Việc Trung Quốc tuyên bố sẽ có hành động chống lại tàu thuyền nước ngoài dính dáng hoạt động phi pháp cũng phù hợp luật quốc tế. Việt Nam và các quốc gia duyên hải khác có quyền làm tương tự với lãnh hải của họ.

Trong khi đó, luật quốc tế quy định rằng, Trung Quốc và các nước ven biển khác cho phép tàu thuyền vô hại đi qua lãnh hải của họ.

Thậm chí, tàu quân sự nước ngoài cũng được phép đi qua không gây hại, nếu họ tuân thủ luật quốc tế, như treo quốc kỳ của họ, tàu ngầm phải nổi lên, hệ thống vũ khí phải tắt đi…

Nhưng có một ngoại lệ là Trung Quốc đã thông qua nội luật điều chỉnh hoạt động của tàu quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Điều này không phù hợp luật quốc tế và dẫn tới sự cố EP-3 (máy bay do thám EP-3 của hải quân Mỹ va chạm máy bay tiêm kích J-8 của hải quân Trung Quốc) năm 2001 và sự cố USNS Impeccable (tàu Mỹ USNS Impeccable bị 5 tàu Trung Quốc bao vây) năm 2009.

Vụ đầu tiên xảy ra trong không phận phía trên vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, còn vụ thứ hai diễn ra ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Nên nhớ rằng, kể từ năm 2009, Trung Quốc không gây ra bất kỳ vụ việc đáng kể nào trên biển hoặc trên không liên quan Mỹ.

Cảm ơn ông.

Sau khi trở lại vị trí Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đến thăm Việt Nam đầu tiên (từ 16 đến 17-1), thay vì Mỹ như ông từng nói. Ông nghĩ sao?

Ông Shinzo Abe từng chọn Mỹ là điểm đến cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình với tư cách là tân Thủ tướng Nhật Bản. Nhưng vì những khó khăn trong việc sắp xếp lịch, chuyến thăm Mỹ của ông sẽ diễn ra sau.

Ông Abe sau đó chọn thăm Đông Nam Á để củng cố lợi ích của Nhật Bản trong khu vực, bao gồm an ninh hàng hải. Nhật Bản muốn điều phối ngoại giao với các quốc gia trong khu vực và cam đoan một lần nữa rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp lớn đối với an ninh khu vực.

Rõ ràng rằng, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines có sự hội tụ về lợi ích trong an ninh hàng hải, dù mỗi nước có mối quan hệ riêng với Trung Quốc. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc không căng cứng như quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

Việt Nam thích cách tiếp cận độc lập hơn đối với việc hiện đại hóa, phát triển các lực lượng vũ trang và cảnh sát biển. Philippines đã không chú ý lực lượng bảo vệ bờ biển của mình. Nhật Bản đáp lại bằng cách cung cấp 10 tàu tuần tra loại 40m, coi đây là một phần của chương trình ODA.

Mỹ không cố gắng thành lập liên minh chống Trung Quốc ở Đông Á, hoặc thúc giục các đồng minh của mình làm vậy. Mỹ đang cố gắng ăn khớp với Trung Quốc, trong khi tái cân bằng tình thế quân sự của mình để đáp ứng các thách thức trong tương lai.

Điều này có nghĩa rằng làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác chiến lược để đảm bảo an ninh biển. Điều này không giống như là một liên minh nhằm chống lại Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thay đổi chính sách đòi hỏi chủ quyền của mình thì nước này có thể gia nhập các nước trong khu vực trong lĩnh vực hợp tác an ninh…

Minh Long
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.