Tập Cận Bình - những điều ít biết

Tập Cận Bình - những điều ít biết
TP - Khi làm Bí thư huyện ủy Chính Định (Hà Bắc), ông Tập Cận Bình đã nhường xe cho cán bộ cao tuổi sử dụng; lúc làm lãnh đạo ở Phúc Châu, ông dành tiền lương tài trợ dài ngày cho học sinh nhà nghèo ăn học… Vì vậy ông được dân chúng gọi là “Bí thư bình dân”.

> Thưở hàn vi của tân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình qua ảnh
> Chân dung con gái độc nhất của ông Tập Cận Bình
> Tập Cận Bình những điều chưa biết

Tập Cận Bình - những điều ít biết ảnh 1

Một điều hiếm thấy ở Trung Quốc, sau khi ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc tại Đại hội Đảng lần thứ 18, ngày 23-12-2012, Tân Hoa xã đã cho đăng tải các thông tin và ảnh chụp gia đình, thời trẻ và hình ảnh cuộc sống thường ngày của ông.

Nhờ đó, người ta mới biết được những thông tin hiếm khi được biết về một nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Gần dân và quyết liệt chống tham nhũng

Sau khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kiên quyết chống tệ nạn tham nhũng, hủ bại trong bộ máy lãnh đạo đảng, chính quyền.

Ông nhiều lần nhấn mạnh “phải kiên trì đảng quản đảng, đảng trị đảng thật nghiêm”.

Ngày 17-11-2012, phát biểu tại Hội nghị học tập lần thứ nhất của Bộ Chính trị khoá 18, ông đã nói: “Vật thối trước, giòi bọ sinh sau. Nhiều sự thực cho chúng ta thấy: Vấn đề hủ bại ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng tất sẽ dẫn đến mất đảng, mất nước! Chúng ta phải rất cảnh giác!”.

Kiên quyết không đỡ đầu bạn bè, người thân

Khi ông được bầu làm lãnh đạo, bà Tề Tâm đã cho họp gia đình, yêu cầu các con cháu không được kinh doanh lĩnh vực ông phụ trách. Tập Cận Bình cũng căn dặn và kiên quyết không nhận đỡ đầu hay tạo điều kiện thuận lợi cho bạn bè, người thân kinh doanh ở nơi mình công tác, không cho phép ai mượn danh mình để mưu lợi riêng.

Ông mạnh mẽ đề xướng phải quán triệt điều tra nghiên cứu vào toàn bộ quá trình ra quyết sách, nhấn mạnh “cần kiên trì từ quần chúng mà ra, đi vào, nghe ý kiến quần chúng; nhất là những vấn đề quần chúng mong nhất, bức bách nhất, lo lắng nhất, oán trách nhất”… Ông đề ra “Quy định 8 điều về tác phong” cho Bộ Chính trị rất cụ thể như: khi đi xuống dưới không ngăn đường, không phong toả nơi ở, không đón chào hoan nghênh… Với tư cách Chủ tịch Quân ủy, ông cũng đề xuất “10 điều quy định” để giữ nghiêm tác phong, kỷ luật quân đội trong đó có việc cấm dùng xe gắn còi ủ, đèn nháy khi đi lại; phát biểu hay viết bài về vấn đề nhạy cảm phải được Quân ủy phê chuẩn…

Sau khi trở thành nhà lãnh đạo đảng cao nhất, ông Tập đã chỉ đạo tiến hành cuộc chiến không khoan nhượng chống tham nhũng. Ông khuyến khích sử dụng mạng xã hội để vạch mặt các quan tham.

Là con cán bộ cao cấp, nhưng trong những năm động loạn, ông Tập Cận Bình cũng nếm trải mọi nỗi khổ. Năm 1962, do cha bị khép tội trong một vụ án oan, ông bị kỳ thị nặng nề.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá, ông bị phê đấu, bị đói khát, phải sống lang thang, thậm chí bị tống giam. Năm 1969, chưa đầy 16 tuổi, Tập đã phải về vùng nông thôn Thiểm Bắc để “cắm rễ” ở đại đội sản xuất.

7 năm sống cùng nông dân Thiểm Bắc đã giúp ông Tập hiểu rõ thêm về tình hình đất nước, nhất là đời sống người nông dân, tạo nên tư tưởng xuất phát từ thực tế và tác phong “gần dân”.

Tập Cận Bình là người con có hiếu. Mẹ ông là một đảng viên, đã ngoài 90 tuổi. Tuy rất bận rộn, nhưng khi nào rảnh, ông lại về ăn cơm cùng mẹ, dắt mẹ đi bộ, trò chuyện cùng bà.

Ông rất nghiêm với con cái, giữ gia phong cần kiệm mà người cha truyền lại. Ông chủ trương: giữ nghiêm đảng phong, trước hết phải bắt đầu từ bản thân, gia đình mỗi cán bộ. Hồi trẻ, ông và em trai thường mặc lại quần áo, đi giày cũ của các chị.

Cuộc hôn nhân đầu tiên dang dở

Trước khi kết hôn với Bành Lệ Viện, một ca sỹ nổi tiếng tài sắc, kém 9 tuổi, ông Tập Cận Bình đã có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Kha Linh Linh (còn có tên khác là Kha Tiểu Minh), là con gái của ông Kha Hoa, một nhà ngoại giao lão luyện, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Anh quốc.

“Nhiều sự thực cho chúng ta thấy: Vấn đề hủ bại ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng tất sẽ dẫn đến mất đảng, mất nước”.

Tổng bí thư
Tập Cận Bình

Sau khi Tập Cận Bình tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, ông được phân công về công tác ở Quân ủy Trung ương, làm thư ký cho tướng Cảnh Tiêu - Tổng thư ký Quân ủy.

Tại đây ông đã kết hôn cùng Kha Linh Linh, một người hàng xóm sống cùng khu nhà của cán bộ cao cấp ở Bắc Kinh vào đầu những năm 1980. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ấy chỉ duy trì được vài năm.

Họ đã chia tay nhau khi chưa kịp sinh con. Hồi đó, bà Kha Linh Linh quyết định sang Anh sống cùng cha mẹ và muốn chồng cùng đi, còn ông Tập Cận Bình không muốn rời bỏ Tổ quốc và thuyết phục bà ở lại.

Hai người đã không tìm được tiếng nói chung và quyết định ly hôn. Sau khi ly hôn vợ, Tập Cận Bình đã chủ động xin xuống cơ sở ở Hà Bắc giữ chức Phó Bí thư huyện ủy Chính Định để rèn luyện.

Và tình yêu thứ hai sét đánh

Được một người bạn giới thiệu, năm 1986, Tập Cận Bình và Bành Lệ Viện quen nhau. Bành Lệ Viện kể lại, lúc gặp nhau, ông là Phó thị trưởng Hạ Môn (Phúc Kiến), còn bà đã là ca sĩ nổi tiếng.

Bà Bành Lệ Viện
Bà Bành Lệ Viện.

Đến gặp mặt lần đầu, bà cố ý mặc chiếc quần lính rộng thùng thình để “thử thách” xem ông có quá chú trọng hình thức không.

Thoạt đầu, thấy ông quê mùa, già hơn tuổi, bà cảm thấy chán, thì ông lên tiếng hỏi về tiền cat-xê và nghệ thuật thanh nhạc.

Sự khiêm tốn, chân thành của ông khiến trái tim bà rung động...Còn ông sau đó nói với vợ: “Gặp em chưa đến 40 phút, anh đã quyết định em sẽ là vợ của anh!”. Hai người cưới nhau vào ngày 1-9-1987.

Trước đó, cha mẹ Bành Lệ Viện không muốn con gái lấy con cán bộ cao cấp. Biết chuyện, ông Tập nói: “Cha anh cũng là con nông dân, rất bình dị, dễ gần. Anh chị em trong nhà lập gia đình đều chọn lấy con nhà dân thường cả”.

Nói về chồng, bà rất tự hào “Chồng tôi là người ưu tú nhất! Tôi cho rằng anh ấy là người chồng đáng mơ ước của mọi phụ nữ”.

Vợ chồng ông Tập Cận Bình
Vợ chồng ông Tập Cận Bình.

Sau khi cưới, vì công việc, họ phải thường xuyên xa nhau nhưng luôn ủng hộ và quan tâm chăm sóc nhau. Là ca sĩ quân đội, bà Bành phải thường xuyên đi xa biểu diễn, có đợt 2-3 tháng liền, ngày nào ông Tập cũng phải gọi điện cho vợ ít nhất một lần mới yên lòng.

Mấy chục năm nay đều như vậy. Do mẹ hay đi biểu diễn xa nhà nên cô con gái duy nhất của họ, Tập Minh Trạch, sinh năm 1992, chủ yếu sống cùng cha. Mỗi khi có cơ hội đoàn tụ, bà đều tự mình vào bếp nấu những món ăn ông ưa thích.

Tập Minh Trạch
Tập Minh Trạch.

Trong con mắt bà Bành, ông Tập là người “vừa bình thường, vừa khác người”. Ông thích ăn các món Thiểm Tây, Sơn Đông, khi gặp gỡ bạn bè thích uống rượu vui vẻ. Ông thích bơi lội, leo núi, thích xem thi đấu quyền Anh, bóng đá, bóng rổ; đôi khi ông cũng thức khuya xem bóng đá truyền trực tiếp trên tivi.

Ông Tập Cận Bình chở con gái
Ông Tập Cận Bình chở con gái.

Hiện Tập Minh Trạch đang học ở Havard dưới một cái tên khác để tránh gây chú ý. Cô bé học giỏi, ăn mặc giản dị, không xuất hiện nơi đông người, tránh tiếp xúc giới truyền thông, khác hẳn con cái một số quan chức cao cấp khác.

Khi làm Bí thư huyện ủy Chính Định (Hà Bắc), ông Tập Cận Bình đã nhường xe cho cán bộ cao tuổi sử dụng; lúc làm lãnh đạo ở Phúc Châu, ông dành tiền lương tài trợ dài ngày cho học sinh nhà nghèo ăn học… Vì vậy ông được dân chúng gọi là “Bí thư bình dân”.

Lan Hương
Tổng hợp theo báo chí Trung Quốc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG