Triều Tiên không chúc tết, TQ giở  “võ rung”

Triều Tiên không chúc tết, TQ giở  “võ rung”
TPO - Hôm qua 6-2, thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đã có bài xã luận với tựa đề: “Nếu rời xa Trung Quốc, chắc chắn Triều Tiên không thể sống tốt hơn”.

Hé lộ đường hầm thử hạt nhân Triều Tiên

Các cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đang xây hàng rào gần cột mốc biên giới cắm quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc ở thị trấn Tumen, tỉnh Jilin, Trung Quốc. Ảnh: AP
Các cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đang xây hàng rào gần cột mốc biên giới cắm quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc ở thị trấn Tumen, tỉnh Jilin, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Bài viết đã đưa ra những đe dọa sẽ “đoạn giao” với Triều Tiên, nếu nước này cho nổ thử hạt nhân lần thứ ba.

Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo rằng, Triều Tiên sẽ cho nổ thử 2 đầu đạn hạt nhân, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đang phải đối phó với những thách thức mới.

Có lẽ Trung Quốc sẽ không “trừng phạt” Triều Tiên như Mỹ và Hàn Quốc, bởi tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ không bao giờ “chấm dứt”, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc buộc phải biết điều này, phương Tây cũng cần phải biết.

Song song với đó, nếu không nghe theo lời cáo buộc mà cuối cùng vẫn cho nổ thử đầu đạn hạt nhân lần thứ ba, chắc chắn Triều Tiên sẽ phải trả giá nặng nề, chắc chắn sự viện trợ mà quốc gia này giành được từ phía Trung Quốc sẽ giảm đi rõ rệt, chính vì vậy Chính phủ Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo trước đối với Triều Tiên, để nước này không mang theo ảo tưởng khác.

Cục diện trên bán đảo Triều Tiên đã khiến một số nhà nghiên cứu tỏ ý lo lắng, tức cuộc thử nghiệm hạt nhân mới ở Triều Tiên sẽ trở thành bài toán khó cho ngoại giao Trung Quốc. Có thể Triều Tiên cũng sẽ trở mặt với Trung Quốc vì Trung Quốc tham gia vào một số hoạt động chế tài quốc tế đối với Triều Tiên, thậm chí xuất hiện tình trạng rạn nứt quan hệ như Trung Quốc với Liên Xô năm xưa.

Hoàn Cầu cho rằng, đằng sau sự lo ngại này thể hiện sự không tự tin vào sức mạnh quốc gia Trung Quốc, đồng thời cũng cho thấy sự không sáng suốt của ngoại giao Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thực sự đã làm mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên trở nên vô cùng phức tạp, làm tăng thêm những khó khăn chiến lược cho Trung Quốc ở Đông Bắc Á. Những nhân tố mà Trung Quốc cần phải xem xét trong quá trình giải quyết mối quan hệ với Triều Tiên ngày càng nhiều, nhưng ở đây buộc phải có một nguyên tắc lớn: Những sự xem xét này không bao gồm nhân tố Trung Quốc “sợ” Triều Tiên.

Tờ Hoàn Cầu cũng khẳng định, cứng rắn là biểu hiện nhất quán của ngoại giao Triều Tiên từ lâu nay, nhưng sự cứng rắn này không thể nhằm vào Trung Quốc. Người dân Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng tình với quan điểm này. Nếu Triều Tiên tỏ thái độ ngang ngạnh với Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc sẽ đáp trả bằng thái độ cứng rắn, chắc chắn sẽ không dung túng bằng những lời khuyên nhủ hay nhượng bộ. Nếu điều này khiến mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên bị ảnh hưởng lớn thì cứ để nó xảy ra.

Ngoài ra, có một quan điểm cho rằng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang gây hấn chia rẽ quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ không mắc lừa các nước này. Sự gây hấn, gây hiềm khích này có thể là sự thật. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể vì tránh cái bẫy này mà sa lầy vào một hoàn cảnh khó khăn khác và cuối cùng bị chính sách hạt nhân của Triều Tiên trói buộc.

Triều Tiên rất quan trọng đối với Trung Quốc, đây là điều không cần phải bàn. Nhưng điều cũng không cần phải bàn là, tầm quan trọng của Triều Tiên không thể đạp bỏ nguyên tắc ngoại giao và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thậm chí bất chấp an ninh địa chính trị của mình. Chủ trương phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như chủ trương các bên giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, đối thoại, quốc gia nào chống lại nguyên tắc lớn của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ bày tỏ sự phản đối của mình bằng hành động thực tế. Nếu thiếu ý chí trong vấn đề này, Trung Quốc mãi mãi đừng bao giờ hy vọng trở thành nước lớn.

Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ tình hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên đồng thời quan tâm đến lợi ích và suy nghĩ của Triều Tiên trong các vấn đề then chốt. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng phải làm như vậy. Một bàn tay không thể vỗ ra tiếng, tình hữu nghị của Trung Quốc và Triều Tiên cần hai nước cùng nghiêm túc bảo vệ.

Trung Quốc và Triều Tiên cùng lo ngại mối quan hệ giữa hai nước “có thể sẽ rạn nứt”. Nếu mối lo ngại từ phía Trung Quốc lại lớn hơn Triều Tiên, lại là điều bất thường. Nếu trong này tồn tại sự cao, thấp chắc chắn sự lo ngại của Triều Tiên phải lớn hơn Trung Quốc.

Nếu quan hệ “rạn nứt”, chắc chắn đều không có lợi cho cả Trung Quốc và Triều Tiên. Dĩ nhiên Trung Quốc tin vào khả năng độc lập tự chủ của Triều Tiên, nếu rời xa Trung Quốc, quốc gia này “có thể sống được”, nhưng chắc chắn sẽ không thể sống tốt hơn. Trung Quốc cũng sẽ phải gánh chịu những tổn thất địa chính trị ở Đông Bắc Á, nhưng lẽ nào phương pháp để bù đắp những điều này của Trung Quốc lại ít hơn Triều Tiên?

Có người lo ngại, nếu quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên “rạn nứt”, Triều Tiên sẽ quay sang kết thân với Mỹ. Thứ nhất, nhận định này không thể xảy ra, khoảng cách chính trị giữa Triều Tiên và Mỹ, Nhật Bản, Hản Quốc đã khiến giữa các quốc gia này tồn tại một giới hạn không thể thu hẹp. Thứ hai, kể cả cả khu vực bán đảo Triều Tiên thân Mỹ hơn, cũng không thể ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, hàm nghĩa “thân Mỹ”của các quốc gia láng giềng Trung Quốc sẽ có nhiều thay đổi, không thể đồng nghĩa với việc “đối địch với Trung Quốc”.

Hoàn Cầu nhấn mạnh, Trung Quốc phát ngôn những điều này không phải muốn thể hiện rằng, Trung Quốc không còn trân trọng tình hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên, mà hoàn toàn ngược lại, Trung Quốc cho rằng ý nghĩa chiến lược của tình hữu nghị đối với Triều Tiên đúng là rất đặc biệt. Nhưng càng như vậy, càng không thể để Bình Nhưỡng hiểu lầm Trung Quốc, tưởng rằng vì tình hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên mà Trung Quốc sẽ bất chấp mọi nguyên tắc, đặt nó trên mọi lợi ích chiến lược khác của Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc không đồng ý chính phủ mình làm như vậy.

Chỉ khi Trung Quốc kiên trì nguyên tắc, mới có thể khiến quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên có sự ổn định trường kỳ về mặt chiến lược, quan hệ hai nước mới không nhạy cảm và mong manh như vậy, mới có thể chống chọi được mọi nguy cơ. Hay nói cách khác, chỉ khi không sợ để xảy ra tranh chấp với Triều Tiên, mới có thể giữ gìn tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Triều Tiên “đáp trả” Trung Quốc

Sự cứng rắn của báo chí Trung Quốc mấy ngày gần đây xung quanh vấn đề Triều Tiên chuẩn bị nổ thử hạt nhân đã được Triều Tiên đáp trả bằng thông tin: Chủ tịch Kim Châng Un gửi thiệp chúc mừng tết âm lịch năm 2013 cho 30 nhà lãnh đạo các nước, không bao gồm Trung Quốc.

Ngày 5-2, tờ Rodong Sinmun– cơ quan ngôn luận chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi thiệp chúc tết âm lịch cho 30 quốc gia gồm: Việt Nam, Lào, Lebanon, Mông Cổ, Bangladesh, Sri Lanka, Kuwait, Pakistan, Palestine, Tajikistan, Turkmenistan, Armenia, Jordan, Iran, Indonesia, Malta, Belarus, Cộng hòa San Marino, Cộng hòa Guinée, Nigeria, Cộng hòa Malawi, Cộng hòa Mali, Burkina Faso, Algeria, Angola, Uganda, Ai Cập, Ethiopia, Nicaragua, Mexico.

Ngoài ra, tờ Rodong Sinmun còn đưa tin, ông Kim Jong Un cũng đã gửi thiệp năm mới tới tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon.

Báo chí Hàn Quốc bình luận rằng, ngày 23-12-2012, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 2087 với 100% phiếu thuận đồng ý trừng phạt Triều Tiên, nước này đã chỉ trích Liên hợp quốc, nhưng ông Kim Jung Un vẫn gửi thiệp năm mới tới tổng thư ký Ban Ki-moon, điều này cũng gây bất ngờ trong dư luận.

Gửi thiệp năm mới tới các nước có quan hệ hữu nghị là truyền thống mà các nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên duy trì từ nhiều năm nay.

Huy Long
Tổng hợp

Theo Viết
MỚI - NÓNG