Trung Quốc - Triều Tiên sắp trở thành 'kẻ thù'?

Trung Quốc - Triều Tiên sắp trở thành 'kẻ thù'?
TPO - Ngày 7-2, tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore đã có bài viết với tựa đề: “ Trung Quốc - Triều Tiên có lặp lại vết xe đổ như quan hệ Trung Quốc – Liên Xô”.

Bài viết dự đoán rằng, những mâu thuẫn lớn xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rất có thể sẽ khiến hai nước đồng minh “anh em một nhà” trở thành kẻ thù như Trung Quốc và Liên Xô năm xưa.

Ngày 23-1-2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết số 2087 khiển trách cái gọi là “vệ tinh nhân tạo” mà Triều Tiên phóng lên quỹ đạo ngày 12-12-2012, xác nhận lại tinh thần của nghị quyết số 1874, 1695, 1718 và biện pháp trừng phạt Triều Tiên mà Liên hợp quốc đưa ra trước đó, đồng thời cảnh cáo sẽ căn cứ vào những hành động tiếp theo của Triều Tiên để quyết định có tiến hành trừng phạt ở mức độ mạnh hơn hay không.

Ngay ngày hôm sau 24-12-, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã tuyên bố rất gay gắt, bày tỏ sự phản đối kịch liệt quyết định của Liên hợp quốc. Hành động này của Triều Tiên không khiến dư luận ngạc nhiên, nhưng điều đáng nói là trong tuyên bố này, lần đầu tiên Triều Tiên đã đưa ra những lời chỉ trích thẳng thắn chĩa vào Trung Quốc, điều này đã buộc các nhà phân tích phải đặt câu hỏi về quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên trong thời gian tới.

Trước khi Triều Tiên phóng vệ tinh, phía Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh lập trường: Một mặt, thừa nhận quyền lợi của Triều Tiên trong vấn đề sử dụng không gian, mặt khác lại nêu rõ, nước này vấp phải sự hạn chế từ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, lập trường này cho thấy, Trung Quốc phản đối hành động phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Một điều đáng tiếc là, ngày 12-12, Triều Tiên vẫn phóng vệ tinh, chắc chắn Bắc Kinh rất bực mình trước hành động này. Và kết quả là ngày 23-1, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận nhất trí với nghị quyết 2087 của Liên hợp quốc.

Ngày 24-1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, khiển trách gay gắt nghị quyết số 2087 và nhấn mạnh rằng: “Nghị quyết mà Liên hợp quốc đưa ra lần này được xây dựng trên khung hiệp định do Mỹ đóng vai trò chủ đạo, đồng thời được các nước thành viên mù quáng như những con rối bị giật dây thông qua.

Điều này đã minh chứng được rằng, chính sách đối đầu với Triều Tiên của Mỹ đã bước vào giai đoạn nguy hiểm mới, đồng thời cũng cho thấy một số nước lớn đáng lẽ phải đi đầu, tạo dựng một trật tự công bằng cho thế giới cũng bị sự chuyên quyền và độc đoán của Mỹ đàn áp, ngờ nghệch đến mức từ bỏ mọi nguyên tắc tối thiểu”. Đây có lẽ là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Trung Quốc trong lời tuyên bố chính thức.

Đối với vấn đề Trung Quốc kiên trì cơ chế hội đàm 6 bên xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng kiên quyết bày tỏ thái độ từ chối, đây là chuyện rất hiếm gặp. Bình Nhưỡng thẳng thừng phát ngôn rằng: “Hiện tại, không phải là lúc đòi hỏi phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, mà cần tập trung sức mạnh để thực hiện phi hạt nhân hóa ở các nước lớn như Mỹ và một số quốc gia khác”.

Điều này dĩ nhiên cũng bao hàm ý chỉ trích Trung Quốc. Đối với vấn đề hội đàm 6 bên, bài tuyên bố nói: “Do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã mất đi tính công bằng và bình đẳng nên các vòng hội đàm 6 bên và tuyên bố chung được đưa ra ngày 19-9-2005 sẽ không còn tồn tại, sau này dù là tìm ra được cơ chế đối thoại bảo đảm sự ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực cũng sẽ không có các cuộc đối thoại thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.

Ngoài ra, Triều Tiên còn chĩa mũi nhọn của việc thử hạt nhân vào vấn đề phản đối Mỹ, gần như là “ép” Trung Quốc phải lựa chọn một trong hai bên Triều Tiên hoặc Mỹ. Bản tuyên bố nói rằng: “Trong cuộc đấu tranh mới quyết chiến đối đầu với Mỹ, Triều Tiên sẽ không che giấu ý đồ tiếp tục phóng các loại vệ tinh và tên lửa, tiến hành các cuộc thử hạt nhân ở trình độ cao hơn để nhằm vào nước kẻ thù muôn thuở là Mỹ”.

Điều này đồng nghĩa với hành động đánh bài ngửa về mặt ngoại giao, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đối với Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Liệu quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng có lặp lại vết xe đổ như quan hệ Trung Quốc – Liên Xô?

Quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên nhiều năm nay được dùng cụm từ “môi hở răng lạnh” và “máu chảy ruột mềm” để miêu tả, trong khi báo chí phương Tây và các nhà phân tích thường dùng hiệp ước Viện trợ lẫn nhau và hỗ trợ hợp tác mà Trung Quốc và Triều Tiên ký kết năm 1961 để nói về quan hệ đồng minh quân sự giữa hai nước, tức nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, Trung Quốc có nghĩa vụ viện trợ về quân sự, thậm chí đưa quân sang can thiệp. Xét trên danh nghĩa điều ước này có hiệu lực trong vòng 20 năm, nếu không có bên nào đưa ra thắc mắc gì thì điều ước này tiếp tục tự động có hiệu lực.

Tuy nhiên, nếu hành vi của Triều Tiên bị Trung Quốc phán đoán là có thể sẽ kéo Trung Quốc vào cuộc xung đột khu vực hoặc gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích an ninh của Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có thể dùng điều 1 trong hiệp ước này để phản bác. Điều 1 này viết rằng: “Hai bên phải tiếp tục nỗ lực hết sức để bảo vệ an ninh cho khu vực châu Á và nhân dân các nước, bảo vệ nền hòa bình thế giới”.

Cùng với đó, trong những hoàn cảnh chính thức, Trung Quốc rất ít nhắc đến sự tồn tại của hiệp ước đã ký kết với Triều Tiên năm 1961. Mặc dù giữa Trung Quốc và Triều Tiên có hiệp ước này, nhưng quan hệ đồng minh quân sự không tồn tại.

Tờ Liên hợp buổi sáng nhấn mạnh rằng, thế giới không quên lịch sử rạn nứt quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô. Thập kỷ 50 thế kỷ XX, Trung Quốc và Liên Xô “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng từng ký kết một hiệp ước chính thức, nhưng thập kỷ 1960 lại trở mặt thành kẻ thù của nhau. Mặc dù mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên không thể đặt ngang bằng với quan hệ Trung Quốc – Liên Xô năm xưa, nhưng các nhà phân tích không thể loại trừ khả năng này.

Dĩ nhiên kết quả lý tưởng nhất mà Trung Quốc mong muốn là vừa ngăn cản được Triều Tiên vũ trang hóa hạt nhân, vừa tránh được sự hiềm khích trong vấn đề ngoại giao. Xét về ý nghĩa này, Trung Quốc buộc phải tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao thuyết phục Triều Tiên, để Bình Nhưỡng hiểu rằng, muốn có được sự an toàn, trước hết phải cải thiện dân sinh, đây là vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Huy Long
Theo Liên hợp buổi sáng Singapore

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.