Người Anh đầu tiên làm việc ở Triều Tiên

Người Anh đầu tiên làm việc ở Triều Tiên
TP - Sau gần 20 năm rời Bình Nhưỡng, Michael Harrold, người Anh đầu tiên sống và làm việc ở CHDCND Triều Tiên, vẫn chưa hết ngạc nhiên về con đường dẫn anh đến quốc gia bí ẩn nhất thế giới, chuyên hiệu đính bản dịch các bài phát biểu của hai đời lãnh đạo nước này.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Leeds (Anh), Harrold lúc đó 25 tuổi nộp đơn phản hồi thông tin tuyển dụng mà anh thấy kỳ lạ. Anh tới Bình Nhưỡng vào tháng 3-1987 để làm ở vị trí cố vấn ngôn ngữ tiếng Anh.

Nhiệm vụ chính của anh là sửa sang bản dịch các bài phát biểu của Chủ tịch Kim Il-sung, rồi sau này là con trai ông - Chủ tịch Kim Jong-il.

“Tôi không biết tại sao tôi, một người 25 tuổi đến từ một nước tư bản có khả năng gây ra nhiều rắc rối, lại được lựa chọn”, Harrold mới đây trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc - nơi anh đang là biên tập viên cao cấp của CCTV News.

Harrold nhớ lại thời gian làm việc ở Bình Nhưỡng, khi anh là một trong những người nước ngoài đầu tiên bước chân vào quốc gia đóng kín cửa với thế giới. Anh không thể tìm thấy thông tin nào về Triều Tiên khi còn ở Anh, ngay cả trong các thư viện hay tài liệu ngoại giao.

“Tôi thậm chí còn gọi điện đến Văn phòng Ngoại giao ở London để hỏi thông tin về Triều Tiên. Ban Thông tin Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh trả lời tôi rằng: Chúng tôi không biết điều gì về nơi đó. Anh có thể vui lòng gọi điện cho chúng tôi khi anh trở lại và nói cho chúng tôi biết anh đã tìm thấy điều gì không?”, Harrold kể.

Mười năm sau khi rời Triều Tiên từ năm 1994, Harrold tổng kết tất cả kinh nghiệm sống và làm việc của mình trong cuốn sách mang tựa đề Comrades and Strangers (Các đồng chí và những người lạ), tiết lộ nhiều điều về Triều Tiên từ góc nhìn cá nhân.

Michael Harrold hiện sống và làm việc tại Bắc Kinh. Ảnh: An Saigang

Binh sĩ Triều Tiên hôm 17-2 đi thang cuốn ngang qua mô hình tên lửa Unha, để vào triển lãm ở Bình Nhưỡng, nơi đặt nhiều hoa Kimjongilia (đặt tên theo cố lãnh đạo Kim Jong-il). Ảnh: David Guttenfelder

Hiện nay Harrold làm việc ở Bắc Kinh, nhưng anh vẫn có duyên với gia đình lãnh đạo Triều Tiên họ Kim. Từ khi chuyển đến thủ đô của Trung Quốc, Harrold cho biết, Triều Tiên thường xuyên gửi đại diện tới gặp anh khi cần dịch hoặc hiệu đính bản dịch các bài phát biểu hay văn bản quan trọng, tài liệu để in thành sách, diễn văn của lãnh đạo hay tiểu sử.

“Có khi họ ở lại Bắc Kinh trong vài tuần hoặc vài tháng để đợi chúng tôi làm việc. Thường thì họ đến gặp chúng tôi mỗi năm một hoặc hai lần”, Harrold kể. “Đối với những bài diễn văn cực kỳ quan trọng, họ sang tận Bắc Kinh chỉ để nhờ dịch văn bản đó”.

Trải nghiệm ấn tượng

Harrold nói rằng, khi còn ở Bình Nhưỡng, anh nhiều lần trốn ra ngoài ăn kem và uống rượu tại khách sạn Koryo với vài người bạn nước ngoài đến thăm. Anh thậm chí còn yêu một cô gái bản địa.

Nhưng Harrold nói rằng, cùng với một vài người nước ngoài sống ở Bình Nhưỡng, “chúng tôi sẽ không bao giờ được hòa nhập”. “Trong suốt 7 năm, tôi bị ngăn cách với thực tế ở Triều Tiên. Tôi học ngôn ngữ và kết bạn, nhưng tôi vẫn chỉ ở trên bề mặt của thực tế”, Harrold nói.

Harrold kể khi nạn đói trở nên tồi tệ ở Triều Tiên, một một bức tường lớn được xây lên quanh nhà khách dành cho người nước ngoài mà anh đang ở để họ không nhìn thấy nhiều người bản xứ đang chết đói.

“Tôi nhớ rõ rằng, trong suốt thời gian tôi ở đó, tình hình lương thực chưa bao giờ tốt. Người Triều Tiên rất lo lắng về thời tiết nắng mưa trong năm vì biết rằng, họ phụ thuộc vào thời tiết, vì thời tiết ảnh hưởng mùa màng. Mùa màng có vai trò quyết định trong việc họ có đủ lương thực hay không”.

Trong thời gian làm việc ở Triều Tiên, anh không được sử dụng chữ “S” và “N” để chỉ South Korea (Hàn Quốc) và North Korea (Triều Tiên) vì điều đó mang ý nghĩa đất nước bị chia cắt, trong khi Triều Tiên vẫn khẳng định họ là nước thống nhất.

Biên tập viên người Anh này nói rằng anh nhớ Triều Tiên vì anh thấy đây là đất nước “lôi cuốn” và “không thể quên” với những ngọn núi, khung cảnh thanh bình và sự sạch sẽ.

Và dù sống ở một nơi mà nhiều người trên thế giới không biết tưởng tượng thế nào, người dân Triều Tiên vẫn biết cách tạo nụ cười cho mình. “Phần lớn người Triều Tiên rất tử tế, thân thiện hết sức, và họ có khiếu hài hước tuyệt vời”, Harrold nói.

Bình Giang
Theo Global Times, NK News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG