Trung Quốc ‘e dè’ trước kế hoạch dự phòng của Mỹ–Nhật

Trung Quốc ‘e dè’ trước kế hoạch dự phòng của Mỹ–Nhật
TPO–“Không có áp lực bên ngoài nào có thể làm “lung lay” lập trường và quyết tâm của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết. Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku:

Trung Quốc ‘e dè’ trước kế hoạch dự phòng của Mỹ–Nhật

> Mỹ - Nhật bàn cách đối phó ‘tình huống xấu’ với Trung Quốc
> Hoàn Cầu vạch 5 biện pháp 'đoạt' Điếu Ngư/Senkaku

Trung Quốc quan ngại

Tuyên bố trên của Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau khi Mỹ và Nhật đang có cuộc họp bàn về một kế hoạch dự phòng nhằm đối phó với tình huống xấu nhất trong vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Theo tờ China Digital Times, Trung Quốc đang quan ngại trước thông tin Mỹ Nhật đang hợp tác thảo luận về kế hoạch đối phó với các tình huống có thể xảy ra trên Điếu Ngư/Senkaku.

“Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là sẽ luôn chú ý đến các phương tiện truyền thông đưa tin liên quan tới quần đảo Điếu Ngư. Chính phủ và người dân Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu.

Theo nguồn tin trước đó, thông tin chi tiết về cuộc họp Mỹ Nhật không được Lầu Năm Góc tiết lộ. Tuy nhiên, theo Reuters, lực lượng vũ trang Mỹ và Nhật sẵn sàng “ra tay” trong trường hợp Trung Quốc có ý đồ thâu tóm quần đảo.

Mỹ ủng hộ Nhật Bản

Cuộc họp bàn cách đối phó với Trung Quốc mà Mỹ và Nhật đang tiến hành là một cuộc họp thường kỳ, phù hợp với chính sách của Mỹ nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp căng thẳng trong thời gian qua, The Wall Street Journal cho hay.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp tổng thống Mỹ Obama hồi cuối tháng hai
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp tổng thống Mỹ Obama hồi cuối tháng hai.

“Cuộc họp này không có gì là bất ngờ. Chúng tôi có kế hoạch bảo vệ đồng minh nhằm chống lại bất cứ hành vi xâm lược nào trong tình huống căng thẳng”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bày tỏ sự ủng hộ Nhật Bản trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Tại buổi gặp mặt với ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida hồi cuối tháng một, cựu ngoại trưởng Mỹ Clinton đã ủng hộ Nhật Bản, đồng thời lưu ý rằng “Dù Mỹ không đứng về phía nào về vấn đề chủ quyền của Senkaku nhưng chúng tôi thừa nhận quần đảo này đang thuộc sự quản lý của Nhật Bản”.

Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái này của Mỹ rằng đây là một hành động “phản bội”.

Các quan chức quân đội Trung Quốc hồi đầu tháng hai cũng đã bày tỏ mong muốn Washington có những thay đổi tích cực nhất trong chính sách đối ngoại, đặc biệt khi can thiệp vào vấn đề Điếu Ngư/Senkak, quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Mong muốn này được đưa ra sau khi tân ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên nhậm chức.

Hôm 22/2, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Mỹ, gặp gỡ tổng thống Barack Obama nhằm liên minh với Mỹ trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc chưa hạ nhiệt.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku diễn ra từ hồi tháng chín năm ngoái đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Trung Quốc trong thời gian qua liên tục điều tàu hải giám ra vùng biển quần đảo này, trong khi Nhật Bản tăng cường giám sát.

Mới đây, Trung Quốc đã chỉ trích báo chí Nhật khi tờ Kyodo của Nhật Bản đưa tin giới chức Bắc Kinh thừa nhận dùng radar hướng vào tàu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Nguyễn Thủy
Tổng hợp 

Theo Viết
MỚI - NÓNG