Triều Tiên phóng tên lửa bất kỳ lúc nào

Triều Tiên phóng tên lửa bất kỳ lúc nào
TP - Hôm qua, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tuyên bố, CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung Musudan “vào bất kỳ lúc nào”. Một quan chức khác nói rằng, Triều Tiên sẽ cùng lúc phóng vài loại tên lửa.

> Hàn Quốc: Triều Tiên ‘chủ mưu’ vụ tấn công mạng?
> Trung Quốc: Triều Tiên 'đại náo' quá đà!

Một quan chức Hàn Quốc nói: “Triều Tiên có thể phóng đồng thời tên lửa Musudan, Scud và Nodong”. ẢNH: GETTY IMAGES
Một quan chức Hàn Quốc nói: “Triều Tiên có thể phóng đồng thời tên lửa Musudan, Scud và Nodong”. ẢNH: GETTY IMAGES .

“Theo nguồn tin tình báo do chúng tôi và Mỹ thu thập được, khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên là rất cao. Tên lửa Musudan có tầm bắn khoảng 3.500km, có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ”, ông Yun nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội.

Ông Yun nói rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải ngay lập tức ngăn Triều Tiên thử tên lửa vì nước này bị cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Ngày 10/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo ngay cả trong đêm tối.

Hôm qua, ông Yun cho biết, Hàn Quốc đã đề nghị Trung Quốc và Nga tác động để Triều Tiên không khiêu khích quân sự. Trước đó, ông kêu gọi ASEAN đóng vai trò tích cực hơn trong việc tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

“Với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm nay, Brunei nên đóng vai trò chủ động hơn trong việc chuyển thông điệp rằng, Triều Tiên sẽ không đạt được gì từ những hành động đe dọa và khiêu chiến”, ông Yun nói trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Brunei Mohamed Bolkiah.

 Quân đội Triều Tiên hoàn toàn đủ khả năng cho nổ tung các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản cũng như các khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Báo Rodong Sinmun,
cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên

Ngày 10/4, Yonhap trích lời một quan chức Hàn Quốc rằng: “Có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Triều Tiên có thể phóng đồng thời tên lửa Musudan, Scud và Nodong”. Triều Tiên từng thử tên lửa tầm ngắn Scud, nhưng vẫn chưa rõ nước này sở hữu bao nhiêu tên lửa Musudan và Nodong.

Hôm qua, quân đội Hàn Quốc và Mỹ nâng mức cảnh báo về việc Triều Tiên phóng tên lửa, để sẵn sàng ứng phó. Một tướng Mỹ khẳng định, Washington có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên, nhưng sẽ không làm điều đó, nếu đường đi của tên lửa cho thấy nó không gây nguy hại đến Mỹ.

“Nếu việc đánh chặn tên lửa là để bảo vệ đất nước, tôi chắc chắn sẽ đề xuất đánh chặn. Và nếu để bảo vệ các đồng minh, tôi cũng sẽ ủng hộ giải pháp đó”, Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy lực lượng Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, mới đây nói trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ.

“Triều Tiên tấn công mạng truyền hình, ngân hàng”

Hàn Quốc vừa chính thức cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm trong vụ tấn công mạng máy tính của một số đài truyền hình và ngân hàng Hàn Quốc hồi tháng 3, Yonhap ngày 10/4 dẫn lời một quan chức thuộc Cục An ninh Thông tin và internet Hàn Quốc (KISA).

Phát ngôn viên KISA khẳng định, cuộc điều tra hồ sơ truy cập và các mã độc được dùng trong đợt tấn công đều cho thấy nó bắt nguồn từ Tổng cục Trinh sát của Triều Tiên.

Theo một hãng lữ hành ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), chính quyền Đan Đông vừa thông báo đình chỉ mọi hoạt động du lịch sang Triều Tiên. Nhiều công ty du lịch lớn ở thủ đô Bắc Kinh tuyên bố tạm ngừng các tour đi Triều Tiên từ đầu tháng 4.

Theo Yonhap, “đây là một cuộc tấn công mạng được phía Triều Tiên lập kế hoạch một cách cẩn thận. Thời gian chuẩn bị ít nhất là tám tháng”.

Yonhap đưa tin, các chuyên gia Hàn Quốc đã lần ra nguồn gốc cuộc tấn công là ở sáu máy tính cá nhân tại Triều Tiên. Các máy tính này sử dụng hơn 1.000 địa chỉ IP ở nước ngoài để thâm nhập 49 địa chỉ khác nhau ở 10 nước, trong đó có Hàn Quốc nhằm “lan truyền phần mềm độc hại đến các máy tính mục tiêu”.

Theo thống kê của KISA, mạng máy tính của ba ngân hàng Jeju, NongHyup và Shinhan, cùng ba đài truyền hình KBS, MBC và YTN của Hàn Quốc bị tê liệt ngày 20/3 “vì một loại mã độc”.

Sau vụ tấn công ban đầu, website của đài truyền hình YTN và các tổ chức đối lập với Bình Nhưỡng còn bị tấn công một đợt nữa vào ngày 25 và 26/3. Tổng cộng, khoảng 48.000 thiết bị, trong đó có máy chủ, máy tính cá nhân, máy rút tiền tự động bị ảnh hưởng.

Hồi tháng 5/2012, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cáo buộc Bình Nhưỡng gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu của chín hãng hàng không Hàn Quốc cùng chín đối tác nước ngoài, trong đó có Japan Airlines, Thai Airways, Garuda International từ ngày 28/4 đến 6/5. Tuy nhiên, các chuyến bay vẫn hoạt động bình thường, nhờ việc sử dụng các chương trình điều hướng thay thế. Bình Giang -

Tùng Dương
Theo Yonhap, AP, China Daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG