ASEAN dự kiến bàn vấn đề biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh
TP - Trao đổi với các phóng viên ngày 18/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói: Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei từ 24 đến 25/4.

> Biển Đông vẫn là trọng tâm của ASEAN trong 2013
> ASEAN, TQ sẽ có cuộc gặp đặc biệt về Biển Đông

Tại hội nghị đầu tiên trong 2013 - năm chủ tịch của Brunei, dự kiến ưu tiên cao của hội nghị là bàn những định hướng ưu tiên trong 2013 của ASEAN, cũng như bàn các biện pháp hợp tác dưới chủ đề do Brunei đề xuất là ASEAN: Người dân và tương lai của chúng ta.

Dư luận đang rất quan tâm vấn đề biển Đông. Dự kiến, các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận những gì tại hội nghị lần này?

Nếu chúng ta nhìn vào vấn đề biển Đông thời gian qua và đặc biệt gần đây, chúng ta phải thấy hai điểm chính. Một là, mục tiêu đảm bảo cho được môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông vừa là quan tâm chung, đồng thời cũng là lợi ích của ASEAN, của khu vực và các nước liên quan.

Đồng thời, chúng ta thấy thời gian gần đây vẫn tiếp tục diễn biến, có những diễn biến phức tạp, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Do đó, chúng tôi cho rằng, tại Hội nghị cấp cao tới, các nhà lãnh đạo ASEAN chắc chắn sẽ phải bàn làm sao để có các biện pháp bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.

Đây là mục tiêu rất cao. Để làm được điều đó, trong quá trình trao đổi cũng như trong quá trình chuẩn bị của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua, người ta cho rằng, ASEAN cần phải tiếp tục phát huy vai trò và tiếng nói của mình trong vấn đề biển Đông...

Có lẽ, dự kiến các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng, sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới để đạt các mục tiêu chung này như thế nào.

Dự kiến những nội dung cụ thể là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, những nội dung quan trọng mà ASEAN thỏa thuận cần tiếp tục phát huy là phải bảo đảm các nỗ lực xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, để tiếp tục củng cố hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

Thứ hai là phải đề cao, đồng thời bảo đảm thực hiện hiệu quả những cam kết, những thỏa thuận đã có liên quan đến vấn đề biển Đông, trong đó có Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN, có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC, trong đó rất nhiều nguyên tắc chung đã được đề ra. Đó là phải kiềm chế, phải giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Hai là, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Thứ ba là tiếp tục xây dựng lòng tin và không làm gì phức tạp thêm tình hình.

Đồng thời, việc rất cấp thiết lúc này là làm sao xây dựng cho được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), để đảm bảo tốt hơn hòa bình, an ninh ở biển Đông. Tôi cho rằng, đó là nội dung dự kiến các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bàn. Thời gian qua, ASEAN đã chủ động đề xuất và có rất nhiều nỗ lực làm sao sớm đi vào đàm phán với Trung Quốc về COC...

Cảm ơn ông.

Phương Anh
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG