Mỹ khó tấn công Syria, vì sao?

Mỹ khó tấn công Syria, vì sao?
TP - Mới đây Mỹ cho rằng, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al – Assad đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công lực lượng nổi dậy. Tiếp đó, Israel, đồng minh thân cận của Mỹ không kích Syria với lý do “ngăn cản Syria cung cấp vũ khí cho phong trào Hồi giáo Hezbollah tại Li -băng”.

> Thỏa thuận mới của Nga và Mỹ về Syria:Không dễ thành công
> Liệu Mỹ có nên phái lính can thiệp quân sự tại Syria?

Năm 2003, Mỹ một mực khẳng định Iraq sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Bất chấp sự phản đối của một số thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) và cộng đồng thế giới, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq.

Tuy nhiên, suốt 10 năm sau đó, Mỹ và đồng minh không tìm thấy bất cứ manh mối nào liên quan vũ khí hủy diệt hàng loạt ở quốc gia này.

10 năm sau, kịch bản Iraq dường như đang lặp lại tại Syria. Cũng bắt đầu bằng những “nguồn tin tình báo”, nhưng có vẻ như, “vận may” chưa thực sự đứng về Mỹ và đồng minh.

Ngay sau cáo buộc của Mỹ, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ, một báo cáo của nhóm điều tra LHQ khẳng định: không có bằng chứng xác thực nào về việc cả hai bên trong cuộc xung đột ở Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sau đó cũng đề nghị tất cả các bên hành động một cách có trách nhiệm, tránh nguy cơ leo thang một cuộc tranh chấp mà theo lời ông “hiện đã gây nhiều tàn phá và đã rất nguy hiểm”.

Ngoài ra, Nga cũng là vật cản quá lớn đối với Mỹ và đồng minh trong tham vọng thôn tính Syria.Ngay sau khi Israel tổ chức các cuộc oanh kích vào lãnh thổ Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Một đoạn video được cho là các chuyên gia Nga đã cố ý để lộ cho đài truyền hình Israel cho thấy, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không cho phép lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời khẳng định, từ cuộc tấn công của Israel, Nga sẽ ngay lập tức cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 và Iskander cho Syria.

Vậy, đâu là lý do khiến Mátxcơva quyết bảo vệ Damascus bằng mọi giá, bất chấp chính quyền Tổng thống Assad hơn 2 năm chìm trong cảnh nội công, ngoại kích?

Thứ nhất, vị trí chiến lược quan trọng của Syria. Peter Đại đế từng nói: “Khi có thể tự do tiến vào Ấn Độ Dương, Nga có thể tạo dựng sự thống trị về quân sự và chính trị của mình trên toàn thế giới”.

Xuất phát từ quan điểm này, trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Nga, khu vực Trung Đông luôn là đầu cầu chiến lược để Nga tiến xuống phía Nam. Trong bối cảnh Mátxcơva nỗ lực khôi phục hình ảnh của cường quốc một thời, Syria, và nhất là Trung Đông, đang là “trận địa” mới, trong đó Nga cần phải giành chiến thắng bằng mọi giá.

Nếu điện Kremlin quay lưng với Damascus thì cũng có nghĩa Nga sẽ chính thức bị đẩy ra khỏi khu vực này. Đó là chưa kể Nga sẽ buộc phải đóng cửa căn cứ hải quân chiến lược và là căn cứ duy nhất của Nga ở Trung Đông: Căn cứ Tatut tại Syria.

Thứ hai, Tổng thống Assad cam kết, Syria dưới chế độ của ông không bao giờ cho phép xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt từ Qatar sang châu Âu, vì việc đó sẽ đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Nga.

Hiện nay, 70% nguồn thu ngoại tệ của Nga là nhờ vào xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, và khí đốt cũng chính là con át chủ bài mà Nga có thể sử dụng để gây sức ép với châu lục này khi cần thiết.

Thứ ba, xuất phát từ bài học Libya. Năm 2011, Nga đồng ý thông qua Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ thiết lập khu vực cấm bay ở Lybia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thiết lập vùng cấm bay không đạt được mục đích bảo vệ thường dân và viện trợ nhân đạo, ngược lại còn trở thành phương tiện hữu hiệu để NATO không kích Lybia và hỗ trợ không lực cho lực lượng chống chính phủ ở nước này. Trong bối cảnh mà Mỹ và đồng minh đang ý đồ “bổn cũ soạn lại” theo “mô hình Lybia” ở Syria, Nga không thể không cảnh giác.

Thứ tư, lợi ích quân sự to lớn của Nga ở Syria. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhằm tranh giành quyền bá chủ với phương Tây do Mỹ đứng đầu, Liên Xô bán cho Syria một lượng lớn vũ khí dưới hình thức viện trợ quân sự.

Sau khi Liên Xô giải thể, năm 1994, Nga đồng ý tiếp tục cung cấp cho Syria các loại khí tài quân sự tối tân. Tới năm 2010, giá trị tổng lượng vũ khí mà Syria mua từ Nga lên tới 4 tỉ USD, bao gồm hệ thống phòng không hiện đại, máy bay chiến đấu MiG - 29, MiG - 31...

Không ngẫu nhiên, sau những động thái cứng rắn của Mátxcơva, Washington buộc phải tuyên bố ủng hộ một hội nghị quốc tế về Syria theo đề xuất của Nga, đạt được một cách gượng gạo trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/5.

Nếu biết rằng, “kêu gọi Mátxcơva “bật đèn xanh” cho Washington tấn công Syria” mới chính là kỳ vọng ban đầu chuyến đi của Ngoại trưởng John Kerry, mới thấy, không dễ để Mỹ phát động tấn công Syria.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.