Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là 'Mùa xuân Ảrập' mới?

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là 'Mùa xuân Ảrập' mới?
TP - Hơn 3.000 người bị thương trong hàng loạt cuộc biểu tình đang lan khắp 67 trên 81 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của lực lượng công đoàn. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có trở thành “Mùa xuân Ảrập” tiếp theo?

> Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa Syria
> Chiến tranh Syria – Thổ Nhĩ Kỳ đã cận kề?

Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ bắn súng cao su, ném đá về phía cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Ankara ngày 3/6. Ảnh: Umit Bektas
Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ bắn súng cao su, ném đá về phía cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Ankara ngày 3/6. Ảnh: Umit Bektas.

Liên đoàn Lao động Lĩnh vực công Thổ Nhĩ Kỳ (KESK) hôm qua cho biết, 240.000 thành viên của họ đang tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp đất nước.

Tổ chức này kêu gọi đình công 2 ngày, bắt đầu từ hôm qua, để phản đối “chủ nghĩa phát-xít” của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan - nhân vật tâm điểm của cơn thịnh nộ suốt mấy ngày qua. KESK tập hợp người lao động chống lại lực lượng cảnh sát, an ninh dùng hơi cay và vòi rồng đối phó cuộc biểu tình hoà bình phản đối chính phủ.

Một người biểu tình tên là Mehmet Ayvalitas chết vì bị thương nặng. Giới chức cũng thông báo một thanh niên 22 tuổi tên là Abdulah Comert thiệt mạng vì trúng đạn lạc trên phố trong lúc biểu tình chiều 3/6.

Phó thủ tướng Bulent Arinc ngày 4/6 phải xin lỗi “sự hung hãn của cảnh sát khi người dân chỉ biểu tình vì lo ngại vấn đề môi trường”. Tuy nhiên, “tôi không nghĩ chúng tôi cần xin lỗi những đối tượng phá hoại trên đường phố và những kẻ làm ảnh hưởng tới quyền tự do của mọi người”, ông Arinc nói.

Hội Y khoa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 3.195 người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát hôm chủ nhật và thứ hai vừa qua. Trong số đó, 26 người bị thương nặng hoặc đang trong tình trạng nguy kịch.

Quảng trường Taksim ở Istanbul không khác gì quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập khi trở thành trung tâm của hàng loạt cuộc biểu tình, bắt nguồn từ kế hoạch xây dựng khu trung tâm mua sắm trên khu công viên Gezi được coi là một trong những không gian xanh ít ỏi còn lại của thành phố.

Theo các nhà phân tích, cuộc biểu tình ngồi quy mô nhỏ bùng phát thành cả chuỗi biểu tình xung đột với cảnh sát phản ánh sự chia rẽ tư tưởng sâu sắc giữa nhóm mang tư tưởng tự do, thế tục và nhóm sùng đạo trong cộng đồng người Turk - chiếm tới 2/3 dân số Thổ Nhĩ Kỳ.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phun hơi cay về phía một phụ nữ, trong khi nhiều người dân biểu tình ở thành phố Istanbul hôm 28/5. Ảnh: Osman Orsal
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phun hơi cay về phía một phụ nữ, trong khi nhiều người dân biểu tình ở thành phố Istanbul hôm 28/5. Ảnh: Osman Orsal.

Nhiều người Turk mang tư tưởng thế tục cho rằng, chính phủ bắt nguồn từ đạo Hồi không chấp nhận chỉ trích và quá khác biệt về lối sống. Một ví dụ điển hình mà phe chỉ trích nêu ra là quy định gần đây của chính phủ nhằm siết chặt hoạt động bán và quảng cáo rượu ngay cả khi cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện cho thấy chỉ có 6% gia đình Thổ Nhĩ Kỳ có người uống nhiều rượu. Chưa đến 1,5% số vụ tai nạn xe hơi trong năm 2012 là do liên quan đến rượu. Bên cạnh đó, phe chỉ trích cũng không bằng lòng với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng ở các đô thị.

Ông Erdogan có kế hoạch xây dựng sân bay thứ ba, cây cầu Bosphorus thứ ba và một kênh đào nối biển Đen với biển Marmara. Điều này nghĩa là hàng triệu cây xanh và hệ sinh thái ở vùng phía bắc Istanbul sẽ bị phá huỷ. Các dự án xây dựng năm ngoái đã tiêu tốn khoản ngân sách 4,7 tỷ USD.

Dân chê phe đối lập

Dù Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt tình trạng lộn xộn trên diện rộng, nhưng khó có khả năng đây sẽ là điểm đến tiếp theo của “Mùa xuân Ảrập” - làn sóng nổi dậy khiến Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ, một số chuyên gia nhận định.

Theo họ, khác với Ai Cập và các quốc gia Ảrập khác, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được cho là có nền dân chủ, dù không hoàn hảo, kể từ năm 1950. Ông Erdogan trúng cử khá ngoạn mục trong cuộc bầu cử phổ thông năm 2011, và đến nay vẫn là chính trị gia được nhiều người tín nhiệm nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, phe đối lập bị nhiều người dân coi là yếu và không hiệu quả.

Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, báo chí quốc tế đang tường thuật các cuộc biểu tình và phản ứng của lực lượng an ninh theo hướng làm xấu hình ảnh quốc tế của ông Erdogan và đảng Phát triển và Công lý đang nắm quyền trong bối cảnh chính trị chia rẽ. Tuy nhiên, Thủ tướng Erdogan nói ông hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong vài ngày tới.

Ông cho rằng, đợt biểu tình là do “một số thành phần cực đoan” và các nhóm ngoài lề. “Những công dân thông minh của chúng tôi sẽ nhận ra điều này, rồi họ sẽ dạy cho họ bài học đúng đắn”, Thủ tướng Erdogan nói.

Trúc Quỳnh
Theo CNN, CBS News, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.