Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan

Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan
TPO - Afghanistan một lần nữa lại trở thành một trong những vấn đề chiến lược then chốt của nước Nga.

Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan

> Quân đội Ai Cập truy bắt 200 lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo

> Mỹ thắt chặt an ninh kỷ niệm Quốc khánh 

TPO - Afghanistan một lần nữa lại trở thành một trong những vấn đề chiến lược then chốt của nước Nga.

Nhờ sự hiện diện của NATO mà Moscow đã có thể giảm bớt vai trò tích cực của mình trong khu vực, nhưng trước thời điểm rút các lực lượng Phương Tây, được hoạch định vào năm 2014, khỏi đất nước này, LB Nga lại đứng trước cơ hội quay về thực hiện chính sách riêng của mình, và chắc chắn sẽ cố gắng hết sức mình để làm được điều đó.

Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan ảnh 1
 

Mỹ và Phương Tây đã có thể tự cho phép mình coi Afghanistan như một vấn đề thứ cấp. Rất ít có khả năng xảy ra một đòn tiến công khủng bố mạnh mới của nước này. Moscow thì không thể ung dung như vậy: ngày rút quân của NATO càng gần bao nhiêu, thì yêu cầu hành động càng trở nên cấp bách bấy nhiêu.

Hiện nay nước Nga đang phát đi tín hiệu và duy trì các mối liên hệ cũ.

Trong một quán rượu tồi tàn cạnh khu chung cư ở Mazari Sharif, một trong số rất ít nơi có thể tìm được đồ uống mạnh, một đám đàn ông da ngăm đen đáng ngờ đang gọi rượu vodka bằng tiếng Nga. Người bồi bàn rất hiểu họ, hỏi lại chỉ vì sự an toàn cá nhân, liệu trong số họ có khách nào là người Afghanistan.

Việc bán đồ uống có cồn cho người bản địa có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng, còn đối với người nước ngoài- lại là chuyện khác. Có rất nhiều người như họ trong thành phố, ở đây có đủ cả người Uzbek, Tajik, Turkmen và thậm chí cả người Nga.

Tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ chung của những người buôn bán, họ trao đổi công việc với các đối tác địa phương bằng chính thứ tiếng này. Những chiếc xe hiệu “Lada”, tràn ngập chợ ô tô ở miền Bắc đất nước, đang chạy qua chạy lại dọc những con phố của Mazari Sharif.

Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan ảnh 2
 

Hàng hóa đổ vào Afghanistan thông qua cửa khẩu biên giới với một con sông lớn ở Hayraton: năm 2012 nhập khẩu từ Uzbekistan đạt tổng giá trị 730 triệu USD. Nhờ xây dựng được 80 km đường giao thông mà Mazari Sharif tiếp cận được tuyến đường sắt Trung Á. Ở sân bay địa phương đã có thêm chuyến bay tới Đubai, trong khi mới gần đây hành khách còn phải chờ đợi các chuyến bay của mình (hoàn toàn là các tuyến nội địa) trên một bãi nhỏ, được rào bằng dây thép gai, và sự bảo vệ duy nhất trước ánh nắng mặt trời chỉ là một mái che bằng thép phía trên những chiếc ghế băng gỗ. Moscow đang gián tiếp tham gia vào việc chấn hưng đất nước này, nhưng đã tới thời điểm, khi “ảnh hưởng mềm” cần phải biến thành chính sách cứng rắn.

Việc rút quân của NATO đặt ra trước Moscow 3 vấn đề nghiêm trọng. Một là, phạm vi của sự bất ổn và sự truyền bá Hồi giáo hiếu chiến có thể lan rộng ra khu vực Trung Á hiểm yếu, vô cùng quan trọng đối với nước Nga. Hai là, việc tăng cường nhập khẩu vào thị trường Nga thuốc phiện và heroin, mà sử dụng nó sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc nhân khẩu học đang bất lợi, ngay cả khi chưa tính đến yếu tố này, của đất nước: ma túy giết chết lớp trẻ, và điều này làm giảm tiềm năng tái tạo dân số toàn phần. Thứ ba là, việc bị mất công cụ tác động tới Mỹ là mạng phân phối Phương Bắc- tức là tuyến tiếp tế hàng hóa cho quân đội NATO qua lãnh thổ nước Nga và các nước Trung Á, với các căn cứ không quân ở Ulyanovsk, Manas và Termez.

Chúng ta sẽ bắt đầu từ vấn đề số 1. Nước Nga có những hồi ức xấu về những phần tử cực đoan Afghanistan: trong thập niên 90 thế kỷ trước, Taliban đã cho trú ngụ trên lãnh thổ nước mình không chỉ lực lượng “Al-Qaeda”, mà cả những phần tử cấp tiến từ Liên Xô cũ- các phần tử ly khai Chesnia và những chiến binh phong trào Hồi giáo Uzbekistan chống lại chính thể của Islam Karimov. Tuy nhiên, nước Nga đã chơi một ván bài rất khéo, ví dụ, can dự những hoạt động đáng ngờ như điều động các chiến binh IRU đã tham gia các hành động tiến công chống Uzbekistan và Kyrgyzstan trong những năm 1999 và 2000 để buộc lãnh đạo 2 nước đó phải củng cố các mối liên hệ với Moscow, mà trước hết là trong lĩnh vực an ninh.

Ở ngay Afghanistan thì đã không có khả năng thể hiện những tiểu xảo. Chiến thắng của Taliban trong cuộc nội chiến đã tạo ra mối đe dọa thực tế đối với các nước nằm trong vùng đệm giữa Nga và Afghanistan. Vì vậy nước Nga cùng với chính quyền các nước Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan (thêm vào đó, có Iran và Ấn Độ) đã quyết định giúp đỡ quân đội Liên minh Bắc Đại tây dương một cách hợp lý. Hơn 90% quân trang, quân dụng và 100% trang bị kỹ thuật hàng không (những máy bay lên thẳng) của các lực lượng liên minh chống Taliban đã được vận chuyển qua lãnh thổ nước Nga hoặc các quốc gia hậu Xô viết.

Taliban hiện nay chỉ có một bộ phận tiếp tục phong trào thập niên 90, có lẽ, đã biến thành các lực lượng du kích chống NATO. Ở thời điểm hiện tại, phong trào này không có những yêu sách lớn về lãnh thổ: chỉ giới hạn là Afghanistan và một số vùng đất của Pakistan. Trong phong trào này ít có những chiến binh nước ngoài (trừ những người Pakistan) và hiện nay đã ngừng huấn luyện các phần tử cực đoan nước ngoài, việc này có lẽ, được tiến hành ở Yemen, Mali, Somali. Như vậy, có thể nói rằng, Taliban ở hình thái hiện nay của mình không tạo ra các mối đe dọa đối với những lợi ích của nước Nga.

Nhưng không có gì đảm bảo rằng, tình hình sẽ không thay đổi sau khi NATO rút quân vào năm 2014, nếu Taliban (bằng cách lật đổ chính quyền đương nhiệm hoặc ký kết liên minh với họ) trở về Kabul. Cả 2 kịch bản đều có thể.

Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan ảnh 3
 

Cơ cấu tổ chức nhà nước Afghanistan yếu và tình trạng quân đội có động cơ kém, chấp hành kỷ luật không nghiêm đã nói lên tính hiện thực của kịch bản thứ nhất. Phiến quân chắc chắn vượt xa họ về mức độ ý chí tinh thần, ngoài ra, theo các thông tin của NATO, chỉ có các phân đội quân sự nhỏ có khả năng tiến hành những hoạt động độc lập. Thỏa thuận của Ban lãnh đạo Afghanistan và Mỹ về việc, 5 căn cứ của lực lượng Không quân và đặc nhiệm Mỹ sẽ vẫn tồn tại ở nước này sau năm 2014 đang gieo một niềm hy vọng nào đó (trong đó có hy vọng vào người Nga). Trong những tình huống đặc biệt họ có thể hỗ trợ quân đội Afghanistan chiến đấu với phiến quân, mặc dù, dĩ nhiên không phải ở quy mô hiện nay. Kịch bản thứ hai liên quan tới những cuộc hội đàm khi thì tái khởi động, lúc lại tạm đình chỉ giữa các đại diện của ông Karzai và Mullah Oma ở thủ đô Doha của Qatar. Không phụ thuộc vào sự biến chuyển của tình hình sau khi các lực lượng NATO rút khỏi nước này, xét về tổng thể, theo cách đánh giá của người Nga, vai trò của Taliban sẽ tăng lên, chứ không hề giảm đi, có nghĩa là, nhất định phải một lần nữa chú ý tới triển vọng xuất cảng Hồi giáo hiếu chiến sang Trung Á.

Việc trồng cây thuốc phiện có liên quan chặt chẽ với chiến tranh và sự yếu kém của cơ cấu nhà nước. Các chỉ huy chiến trường trong khu vực, Taliban, và cả các quan chức, có mối quan hệ với Tổng thống Karzai và băng đảng ma cô có ảnh hưởng lớn ở địa phương, liên kết các chiến hữu cũ của Ahmad Massoud, đang kiếm được bộn tiền trên lãnh địa này. Theo các số liệu do Cơ quan quản lý ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc cung cấp, thì sản xuất, buôn bán thuốc phiện và các chiết suất của nó cung cấp trên 50% tổng sản phẩm quốc dân của Afghanistan, và tổng thu nhập của thị trường này đạt khoảng 2,7 tỷ USD một năm. Một vài tỉnh, nhất là những tỉnh ở phía Bắc, trong thập niên vừa qua có thể đã giảm diện tích trồng cây anh túc, nhưng ở miền Nam diện tích lại tăng lên, thành thử lượng ma túy sản xuất được không hề giảm.

Phần lớn sản phẩm được đưa sang châu Âu và từ đó được chuyển đi theo 2 lộ trình. Tuyến thứ nhất- tới khu vực Ban căng- qua ngả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến thứ hai, làm cho chúng ta không khỏi bận tâm- đi qua khu vực Trung Á và nước Nga, hòa chung vào mạng phân phối Phương Bắc: chỉ có điều, khác với các loại hàng quân sự- thuốc phiện hoặc heroin thành phẩm được vận chuyển từ phương Nam lên phương Bắc. Chẳng rõ, có bao nhiêu trong số ma túy này được sử dụng ở nước Nga, nhưng theo những số liệu của các cơ quan y tế địa phương thì có 2,5 triệu người trong cả nước đang bị nghiện heroin- chủ yếu của Afghanistan, được đưa vào từ Tadjikistan. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Liên bang Nga (nếu không tính những nguyên nhân tự nhiên từ giã cuộc đời) giờ đây không phải là nạn nghiện rượu, mà là ma túy. Cuộc chiến tranh Afghanistan tiếp tục giết chết hàng ngàn người Nga, mà không cần tốn bất cứ một viên đạn nào.

Con đường Phương Bắc

Nếu như không có cuộc can thiệp của Mỹ (và sau đó là NATO) vào Afghanistan, thì đã không có mạng phân phối Phương Bắc- kết quả sự hợp tác chặt chẽ nhất giữa nước Nga và Mỹ kể từ thời kết thúc chiến tranh lạnh, ra đời do sự trùng hợp những lợi ích trong khu vực này của 2 cường quốc. Chiến dịch bắt đầu vào năm 2001 đã có lợi cho người Nga, bởi vì đã giảm thiểu nguy cơ truyền bá của Hồi giáo hiếu chiến. Vì vậy người Nga đã đề nghị người Mỹ cam kết phối hợp hoạt động của các cơ quan tình báo, và sau đó cho phép sử dụng lãnh thổ, không phận và thậm chí cả các căn cứ của mình để tiến hành công tác vận tải quân sự. Trước đây không thể tưởng tượng được một việc như vậy.

Mạng phân phối Phương Bắc ra đời vào năm 2009 với vai trò thay thế cho tuyến vận tải tiếp tế đi qua Pakistan chạy từ cảng Karachi qua hành lang Khyber tới Jalalabad hoặc qua hành lang Bolans vào Kandahar. Người Mỹ đã cố gắng hối lộ các phần tử Taliban người Pakistan để họ không cản trở việc vận chuyển ( theo nguồn tin không chính thức, mỗi xe tải đi qua phải trả khoản mãi lộ 1.000USD), nhưng một hệ thống như vậy đã không bền vững. Ngoài ra, Pakistan đã trở thành một đồng minh ngày càng khó tiên lượng và có thể ngăn chặn quá cảnh bất cứ lúc nào, mặc dù qua dịch vụ này (cả nhà nước, cũng như một số tướng lĩnh quân đội, cảnh sát và chính khách) đã thu được rất nhiều tiền.

Tuyến vận tải đi qua nước Nga và Trung Á có vai trò đặc biệt quan trọng đối với NATO: việc phong tỏa lộ trình vận tải qua lãnh thổ nước mình và sự xấu đi cùng lúc của các mối quan hệ Mỹ-Pakistan càng làm tăng thêm giá trị của hoạt động, bởi vì nếu không có nó thì liên quân phải sử dụng đường không để vận tải tới các căn cứ ở Bagram và Kandahar. Moscow hiểu rất rõ điều này. Việc thiết lập mạng phân phối Phương Bắc trùng với thời điểm ông Obama tuyên bố “tái khởi động” (hoặc “giảm căng thẳng” trong) các mối quan hệ với nước Nga. Về sau tuyến đường này có vai trò không nhỏ khi người Nga gây áp lực đối với chính quyền Mỹ trong vấn đề bố trí các tên lửa đánh chặn trong khuôn khổ hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Ba Lan, để bảo vệ an toàn trước một số tên lửa đạn đạo do các quốc gia thù địch phóng đi (mà cụ thể hơn là Iran, bởi vì các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa đối phó với Bắc Triều Tiên được triển khai ở Alaska, California và trên những chiến hạm ở Thái Bình dương). Khi hệ thống phân phối Phương Bắc không còn cần thiết nữa, thì có thể Mỹ sẽ hết quan tâm tới những lý lẽ của người Nga.

Nga muốn 'chia bánh' ở Afghanistan ảnh 4
 

Liên minh chia phần bánh

Tiềm năng của nước Nga ở Afghanistan sẽ được thấy rõ trên thực tế, còn lúc này các nhà quân sự và chính khách Nga đang tìm đồng minh trong khu vực. Những đối thủ chủ yếu ở đất nước này sau năm 2014 sẽ là Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, Kremlin đang đàm phán với họ. Vào mùa hè năm 2012 trong cuộc gặp mặt của các thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải, gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, thậm chí đã diễn ra các cuộc đối thoại Nga-Trung về sự hiện diện quân sự chung tại Afghanistan với vai trò lực lượng ổn định. Lúc này chưa có khả năng công bố ý định đó, nhưng không nên loại trừ một triển vọng như thế. Vào tháng 12 năm 2012 ông Vladimir Putin đã thảo luận về tương lai của Afghanistan với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, người cũng lo ngại sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan từ lãnh thổ Afghanistan.

Sự hợp tác với Pakistan có thể có nhiều triển vọng nhất. Khi người đứng đầu quân đội Pakistan- tướng Ashfaq Kayani vào tháng 9 năm 2012 tới thăm Moscow, người Nga đã gợi ý muốn giúp đỡ ông này có được sự độc lập về quân sự và thoát khỏi sự bảo hộ của Mỹ. Nhờ có sự tương đồng, một tháng sau đó đã diễn ra (lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga và Liên Xô cũ) chuyến thăm Islamabat của nguyên thủ quốc gia Nga. Những động thái ve vãn của Moscow đã được đón nhận bằng sự hiểu biết đầy thiện cảm.

Afghanistan, mặc dù lúc này còn ở quy mô hạn chế, cũng đang được giới doanh nhân Nga quan tâm. Theo một hiệp định được ký kết hồi năm ngoái, một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sẽ xuất hiện tại Kabul, giá trị đầu tư nhà máy này được đánh giá khoảng 50 triệu USD. Trong danh sách những khoản đầu tư tiềm năng có cả việc khôi phục hạ tầng đất nước, trong đó gồm cả nhà máy điện (500 triệu USD), các hệ thống thủy nông, các dự án thăm dò và khai thác khí đốt. Tất cả những dự án đó sẽ trở nên khả thi nếu chiến sự chấm dứt, và ở phía Bắc, đặc biệt ở tỉnh Balkh điều này đã trở thành hiện thực. Với điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, nối tỉnh này với khu vực Trung Á của Liên Xô cũ, có thể hy vọng rằng, trong 10 năm tới doanh nghiệp Nga sẽ trở thành một đối thủ nặng ký ở nơi này.

Moscow đang từng bước trở lại cuộc chơi lớn với Afghanistan. Lần này họ sẽ không phải cạnh tranh với người Anh hay những người Mỹ- đã nối bước họ. NATO, chính phủ của ông Karzai, Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ và thậm chí cả những phần tử Taliban thấy được nước Nga là một quốc gia có thể thúc đẩy công cuộc ổn định đất nước sau khi quân đội Phương Tây rút đi.

Kremlin chưa bao giờ có được vị thế thuận lợi như vậy ở Afghanistan, và vấn đề chỉ còn là, liệu nước Nga có thể tận dụng được nó hay không mà thôi. Có rất ít khả năng, để sau bài học của thập niên 80 và chiến dịch của NATO, nước Nga quyết định chinh phục đất nước này. Chiếc bánh Afghanistan sẽ được chia phần giữa một vài nhân khẩu. Nước Nga có những cơ hội giành được cho mình miếng bánh rất ngon lành, và sẽ thể hiện sự khôn ngoan, nếu hài lòng vì nó. Đồng thời, nước Nga phải hành động đồng thuận với các thế lực khác, không đối chọi với người Mỹ.

Khi đó Moscow sẽ có những cơ hội tạo ra ở phía Bắc Afghanistan vùng đệm để ngăn chặn sự bành trướng của Hồi giáo cấp tiến, kiểm soát nguồn ma túy và duy trì sự sống chung với Mỹ- nghĩa là đạt được mọi mục tiêu then chốt.

Đỗ Ngọc Inh
Theo "Nowa Europa Wschodnia", Ba Lan

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.