Các nghị sĩ Mỹ chủ chốt ủng hộ tấn công Syria

Các nghị sĩ Mỹ chủ chốt ủng hộ tấn công Syria
TP - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua được các nhân vật chủ chốt trong Quốc hội ủng hộ kế hoạch tấn công Syria, với điều kiện là không quá 60 ngày và không được triển khai bộ binh. Trong khi đó, Tổng thống Nga nói không loại trừ việc ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria.

> Mỹ đánh Syria, kinh tế Trung Quốc tụt dốc?
> Thượng viện Mỹ biểu quyết dự thảo nghị quyết đánh Syria

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cùng tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Obama là can thiệp quân sự vào Syria, nhằm trừng phạt cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ cáo buộc chính phủ Syria là thủ phạm.

Ngày 4/9 (giờ Mỹ), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ biểu quyết về dự thảo nghị quyết của Thượng viện với nội dung đặt giới hạn 60 ngày cho bất kỳ chiến dịch can thiệp quân sự nào, cũng như cấm sử dụng bộ binh ở Syria. Ngày 9/9, Thượng viện sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này.

Theo dự thảo nghị quyết, Tổng thống Mỹ có thể kéo dài chiến dịch 60 ngày thêm 30 ngày nữa, nếu được sự đồng ý của Quốc hội. Dự thảo nghị quyết được công bố hôm qua, sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trình bày trước Ủy ban Đối ngoại, nói rằng, có bằng chứng chắc chắn cho thấy lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chuẩn bị cho đợt tấn công bằng vũ khí hóa học gần thủ đô Damascus hôm 21/8.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: “Từ chối hành động nghĩa là sẽ làm giảm mức độ đáng tin cậy trong cam kết an ninh khác của Mỹ, trong đó có việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Nga có thể đồng ý tấn công Syria

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây không nên có hành động đơn phương ở Syria. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định Nga không loại trừ khả năng ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) để trừng phạt quân sự Syria, nếu có bằng chứng Damascus dùng khí độc giết hại dân thường. Nếu bằng chứng được đưa ra, Nga “sẽ sẵn sàng có hành động một cách nghiêm túc và quyết đoán nhất”, ông Putin nói.

Tổng thống Israel Shimon Peres tái khẳng định nước này không có kế hoạch can thiệp vào Syria, và nhận định khó có khả năng Syria tấn công trả đũa Israel. Israel và Mỹ mới đây thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow-2. Việc hai nước thử tên lửa đánh chặn cho thấy họ lo ngại Syria, Iran, lực lượng Hezbollah có thể phóng tên lửa vào Israel, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Mỹ tấn công Syria, các nhà phân tích nhận định.

Trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn AP và kênh truyền hình nhà nước Channel 1 của Nga, ông Putin nói Mátxcơva đã cung cấp một số bộ phận của hệ thống phòng không S-300 hiện đại cho Syria, nhưng đã tạm dừng cung cấp thêm.

Tổng thống Putin cho biết, Nga có thể bán hệ thống phòng thủ tên lửa này, nếu các nước phương Tây tấn công Syria mà không có sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an LHQ.

Nếu không được Hội đồng Bảo an thông qua, “bất kỳ biện pháp nào khác để hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực nhằm chống lại một nhà nước độc lập, có chủ quyền là không thể chấp nhận được, và chỉ có thể bị coi là hành động xâm lược mà thôi”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải chờ kết luận của đoàn thanh sát viên LHQ được phái đến Syria cuối tháng trước để điều tra tại hiện trường nơi bị cho là đã xảy ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. “Hiện vẫn còn chưa rõ rằng, liệu có đúng vũ khí hóa học đã được sử dụng hay chỉ đơn giản là một số loại hóa chất độc hại được sử dụng”, ông Putin nói.

Đa số dân Mỹ phản đối can thiệp quân sự

Cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất cho thấy đa số dân Mỹ phản đối can thiệp vào cuộc xung đột ngày càng sâu sắc ở Syria. Cứ 10 người Mỹ thì có 6 người không đồng ý tấn công bằng tên lửa vào quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Pháp Fancois Hollande, người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch quân sự của Mỹ, hôm qua nói rằng, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria của ông Obama, Pháp “sẽ không hành động một mình”. Tuy nhiên, ông Hollande cho biết Pháp sẽ tăng cường viện trợ phe đối lập Syria.

Ngoại trưởng Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác sẽ gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Nga trong hai ngày 5 và 6/9 để thảo luận về vấn đề Syria.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm qua khẳng định, phản ứng quân sự của Mỹ chống lại Syria sẽ tạo thêm hỗn loạn, nhưng nếu vũ khí hóa học thực sự bị sử dụng ở Syria thì Hội đồng Bảo an nên đoàn kết và có hành động chống lại “tội ác chiến tranh tàn nhẫn”. Chính phủ Syria vẫn khẳng định chính lực lượng nổi dậy là thủ phạm của vụ tấn công bằng

khí độc.

Ngày 4/9, Ấn Độ lên tiếng phản đối can thiệp quân sự vào Syria. “Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên từ bỏ bạo lực để tạo điều kiện cho đối thoại chính trị đa phương, nhằm tìm ra giải pháp chính trị toàn diện vì khát vọng hợp pháp của nhân dân Syria. Không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói.

TRÚC QUỲNH - Đ.P
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.