Mỹ cân nhắc hoãn tấn công Syria

Mỹ cân nhắc hoãn tấn công Syria
TP - Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tối 10/9 tuyên bố Syria đồng ý với đề xuất của Nga là đặt kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm soát quốc tế, nhằm “loại bỏ lý do cho sự xâm lược của Mỹ”, Interfax đưa tin. Ngày 11/9, Thượng viện Mỹ sẽ quyết định thông qua nghị quyết cho phép đánh Syria hay không.

> Syria chấp thuận ‘giã từ vũ khí’ đổi hòa bình
> Thượng viện Mỹ hoãn bỏ phiếu tấn công Syria

Mỹ cáo buộc chính quyền Syria gây ra vụ thảm sát bằng khí độc ngày 21/8 khiến hơn 1.400 người chết, trong đó có nhiều trẻ em. Ảnh: NYT
Mỹ cáo buộc chính quyền Syria gây ra vụ thảm sát bằng khí độc ngày 21/8 khiến hơn 1.400 người chết, trong đó có nhiều trẻ em. Ảnh: NYT.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/9 thông báo, Nga đang cùng Syria soạn thảo kế hoạch đặt các kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự giám sát của quốc tế.

Trả lời câu hỏi của đài truyền hình ABC News rằng Mỹ có hoãn kế hoạch tấn công Syria hay không, khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học của mình, ông Obama trả lời: “Chắc chắn rồi, nếu điều đó thực sự xảy ra”.

Ông chủ Nhà Trắng nói sẽ tiếp tục thúc giục Quốc hội ủng hộ nghị quyết cho phép ông ra lệnh tấn công Syria, nhưng ngụ ý thời gian hành động đã được thay đổi. “Khả năng rất cao, nhưng là dài hạn”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ tuyên bố ông không “chắc chắn sẽ thành công trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trong tuần này, hay bất kỳ thời gian nào trong tương lai ngắn hạn”.

Syria được cho là đang sở hữu khí mù tạt gây bỏng da, khí sarin và khí VX gây độc thần kinh mạnh. CIA cho rằng, kho vũ khí hóa học của Syria có thể bị phân tán bằng máy bay, tên lửa. Syria vẫn chưa ký Hiệp ước Vũ khí Hóa học và chưa phê chuẩn Hiệp ước Vũ khí Sinh học và Độc tố.

Ông Obama phát biểu như trên sau khi Nga đề xuất Syria đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế. Theo báo chí phương Tây, đề xuất này có vẻ bắt nguồn từ một gợi ý vô tình của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Trong một cuộc họp báo gần đây, khi được hỏi rằng ông Assad có khả năng làm gì để tránh một đợt tấn công quân sự, ông Kerry nói chính quyền Assad có thể nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học của chính phủ nước này trong tuần tới.

Dù các quan chức Mỹ sau đó khẳng định, ông Kerry chỉ nói một cách “khoa trương”, chứ không phải đề xuất nghiêm túc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó cho biết, ông đã nhắc lại đề xuất này trong các cuộc họp với người đồng cấp Syria Walid Muallem.

Ngoại trưởng Lavrov thông báo, ông đã thúc giục ông Muallem “không những đồng ý đặt kho vũ khí hóa học dưới quyền kiểm soát quốc tế, mà còn cho phá hủy số vũ khí này”. Ông Lavrov nói với ông Muallem rằng, Syria nên tham gia đầy đủ vào Hiệp ước Vũ khí Hóa học.

Ngoại trưởng Muallem tuyên bố Syria hoan nghênh sáng kiến này, và khen ngợi Nga “nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược của Mỹ chống lại người dân nước chúng tôi”.

Cho rằng việc Syria giao nộp kho vũ khí hóa học “có thể sẽ là bước đột phá quan trọng”, nhưng ông Obama thể hiện nghi ngờ về việc Syria sẵn lòng từ bỏ loại vũ khí này, vì “đây không phải là cách hành động của họ như chúng tôi quan sát trong vài năm gần đây”.

Ông Obama cho rằng Nga sẽ không đưa ra đề xuất như vậy trong cac cuộc gặp giữa Nga và Syria “nếu chúng tôi không duy trì khả năng tấn công quân sự, và tôi không nghĩ đây là lúc để chúng tôi thôi nỗ lực”.

Nhiều nước hoan nghênh

Các đồng minh của Mỹ phản ứng một cách thận trọng trước đề xuất của Nga. Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, việc phá hủy kho vũ khí của Syria sẽ là “bước tiến lớn”, nhưng cảnh báo điều này có thể bị sử dụng như một “chiến thuật phân tán tập trung”. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận xét đây là “đề xuất thú vị”, bày tỏ hy vọng hành động thực tế sẽ đúng như vậy.

Nhanh chân hơn cả, Pháp đã chuẩn bị trình bản dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó vạch ra những hậu quả “cực kỳ nghiêm trọng” nếu Syria vi phạm các điều kiện trong việc từ bỏ vũ khí hóa học, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm qua tuyên bố.

Trung Quốc, Iran, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đều lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Nga. Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ đề xuất Syria từ bỏ kho vũ khí hóa học, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế nên tích cực xem xét đề xuất này.

Trong buổi họp báo tại thủ đô Tehran, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, bà Marzieh Afkham, khẳng định Iran ủng hộ sáng kiến của Nga, bởi đây sẽ là giải pháp giúp ngăn ngừa mọi hành động quân sự trong khu vực. Iran, nước đồng minh chủ chốt trong khu vực của Syria, từng nhiều lần cảnh báo bất cứ cuộc tấn công nào do Mỹ cầm đầu chống Damascus đều có nguy cơ thổi bùng xung đột trong khu vực.

Trong cuộc họp báo hôm qua, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, đề xuất của Nga là một “diễn biến tích cực”, nhưng nước này vẫn cần xem xét kỹ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 9/9 tuyên bố, nếu các chuyên gia của tổ chức này kết luận vũ khí hóa học đã bị sử dụng thì ông sẽ cân nhắc đề nghị Hội đồng Bảo an phê chuẩn một “vùng an toàn” ở Syria, nơi loại các vũ khí sẽ bị tiêu hủy.

Ngày 10/9, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nói rằng, nhiều chuyên gia quốc tế tham gia phiên họp Liên Hợp Quốc cùng ngày tại Geneva khẳng định, video và ảnh vụ tấn công hóa học ở ngoại ô thủ đô Syria ngày 21/8 được làm giả từ trước.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG