Chiến tranh không phải là lựa chọn duy nhất

Chiến tranh không phải là lựa chọn duy nhất
TP - Chiến tranh không phải là lựa chọn duy nhất. Thực tế chứng minh rằng: Tất cả mâu thuẫn và xung đột, dẫu khó khăn đến đâu, vẫn đều có giải pháp. Đó là câu chuyện của Syria hiện tại.

> Cơn địa chấn nước Mỹ mang tên Putin
> Mỹ, Nga, Syria vạch lộ trình tiêu hủy vũ khí hóa học

“Có nước lớn, nước nhỏ, có nước giàu, nước nghèo, có nước có truyền thống dân chủ lâu dài, và có nước mới chỉ đang đi trên con đường hướng tới dân chủ. Chính sách của mỗi nước cũng khác nhau. Chúng ta đều khác nhau, nhưng khi chúng ta nhận ơn từ Tạo hóa, chúng ta không được phép quên rằng Tạo hóa đã sinh ra chúng ta bình đẳng”, đoạn kết mang đầy tính nhân bản trong bài viết của Tổng thống Nga Vladimir Putin đăng trên tờ The New York Times số ra hôm 11/9, đúng ngày nước Mỹ kỷ niệm 12 năm xảy ra sự kiện 11/9, một lần nữa đặt hàng triệu người dân Mỹ vào sự giằng xé dữ dội, giữa một bên là thanh danh nước Mỹ và danh dự của Tổng thống Barack Obama với một bên là Hiến chương LHQ và sinh mệnh của hàng triệu dân thường vô tội.

Tại cuộc thăm dò trên toàn lãnh thổ nước Mỹ do Viện Gallup tiến hành đầu tháng này, hơn 1/3 người Mỹ (36%) ủng hộ kế hoạch không kích Syria của chính quyền Obama, 51% người phản đối, 13% lưỡng lự.

Truyền thông Mỹ tin rằng, bài viết của ông Putin lọt vào top 3 bài báo được đọc nhiều nhất trên The New York Times sẽ làm tăng số người Mỹ phản chiến trong những ngày tới.

Nghịch lý ở chỗ, trong khi giới chức Mỹ hối hả với những chuyến ngoại giao con thoi ra nước ngoài để kiếm tìm sự đồng thuận của đồng minh trong cuộc chiến chống Syria, thì ngay trong lòng nước Mỹ, vào đúng ngày thấm đẫm nước mắt, tuyến phòng thủ được xem là bất khả xâm phạm bất ngờ bị Nga “xuyên thủng” bằng bài viết sâu sắc, tác động trực tiếp đến dư luận Mỹ về vấn đề Syria.

Đáng nói hơn nữa, người viết không chỉ đứng trên cương vị nhà lãnh đạo nước Nga, mà còn với tư cách một công dân toàn cầu nói lên tiếng nói của lý trí và chân lý.

12 năm trước, học thuyết “Đánh đòn phủ đầu” của Mỹ ra đời sau ngày 11/9/2001, đánh dấu sự can thiệp quân sự không giới hạn vào quốc gia mà Washington cho rằng có thể đe dọa an ninh Mỹ.

Và, suốt hơn một thập niên qua, hành động can thiệp quân sự vào xung đột nội bộ nước khác trở thành hành động quen thuộc của Mỹ, để rồi người dân nhiều quốc gia trên thế giới sớm nhận ra rằng, Mỹ không phải là hình mẫu cho một xã hội dân chủ mà chỉ đơn thuần ỷ vào sức mạnh, thiết lập các liên minh dựa trên nguyên tắc “không theo ta nghĩa là chống lại ta”.

Trong khi thế giới ngày càng thấm thía giá trị của hòa bình và tự do; chiến tranh, vũ khí đang được chứng minh là vô hiệu và vô nghĩa, như ông Putin dẫn chứng trong bài báo về hiện trạng Afghanistan, Libya, Iraq… Với Syria, kể cả khi ông Obama chỉ mở cuộc tấn công hạn chế, bất kể là việc xác định mục tiêu rõ ràng thế nào, vũ khí đạt độ chính xác ra sao, thương vong đối với người vô tội là không thể tránh khỏi.

Không chỉ đánh thức lương tri người dân Mỹ, bài viết còn cho thấy nguyện vọng của ông chủ Điện Kremlin muốn xích lại gần hơn với Nhà Trắng trong bối cảnh quan hệ Mátxcơva-Washington đang trở nên xa cách.

Một khi Mỹ từ bỏ can thiệp quân sự và hợp nhất nỗ lực trong các quyết định chính trị cho cuộc xung đột Syria, không những làm giảm thương vong không cần thiết ở Trung Đông, mà đem lại nhiều lợi ích cho hai nước. Nảy sinh cơ hội độc đáo để thực hiện bước đột phá, giải quyết vấn đề Syria bằng con đường chính trị hòa bình giờ đã vượt qua khuôn khổ Syria để trở thành vấn đề của hai cường quốc.

Tuy không thể phủ nhận lợi ích cốt lõi của Nga tại Syria và Trung Đông, nơi Mátxcơva phải hiện diện để duy trì tầm ảnh hưởng địa-chính trị toàn cầu, nhưng cái cách mà người đứng đầu nước Nga tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng Syria chứng minh thực tế rằng: Tất cả mâu thuẫn và xung đột, dẫu khó khăn đến đâu, vẫn đều có giải pháp. Và chiến tranh không phải là lựa chọn duy nhất. Hôm qua, LHQ thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).