Liên Hợp Quốc khẳng định Syria sử dụng vũ khí hóa học

Liên Hợp Quốc khẳng định Syria sử dụng vũ khí hóa học
TPO – Các nhà điều tra hóa học của Liên Hợp Quốc, ngày 16/9, khẳng định, chất độc sarin được sử dụng trong cuộc tấn công khí độc ở ngoại ô thủ đô Damascus (Syria) hôm 21/8, làm hơn 1.000 người thiệt mạng.

> Ba nước lớn đe ông Assad
> Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria?

“Đây là xác nhận quan trọng nhất về vấn đề vũ khí hóa học chống lại dân thường kể từ khi chính quyền ông Saddam Hussein sử dụng trong cuộc tấn công Halabja (Iraq) hồi năm 1988. Cộng đồng quốc tế cam đoan sẽ ngăn chặn không để cho bất cứ cuộc tấn công nào tương tự xảy ra”, tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu.

“Trên cơ sở các bằng chứng thu được trong quá trình điều tra vụ tấn công tại Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, chất độc sarin đã được nạp vào đầu đạn tên lửa đất đối đất và bắn vào khu vực Ghoita, làm hơn 1.000 người thiệt mạng”, dẫn lời giám đốc điều tra Liên Hiệp Quốc Ake Sellstrom tại Thụy Sĩ.

Theo Reuters, kết quả điều tra này không ngạc nhiên. Cách đây vài tuần, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, vụ tấn công ở Ghouta có sử dụng chất độc Sarin, làm hơn 1.000 người chết trong đó có 400 trẻ em.

“Đây là tội ác nghiêm trọng và những người đã thực hiện hành động này phải sớm chịu trách nhiệm. Lúc này là thời điểm mà Hội đồng Bảo an cần chứng tỏ vai trò lãnh đạo và thực thi trách nhiệm đạo đức, chính trị của mình”, tổng thư ký Ban Ki-moon nói.

Sơ đồ về khả năng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria đưa ra trong bản báo cáo của nhóm điều tra trình lên Liên Hợp Quốc
Sơ đồ về khả năng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria đưa ra trong báo cáo của nhóm điều tra trình lên Liên Hợp Quốc.

Quá muộn

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc điều tra và bản báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra khá muộn, bởi hầu hết đều chắc chắn rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công hôm 21/8 vừa qua. Hơn nữa, phía Nga và Mỹ cũng đạt được thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria.

Ngay sau báo cáo của Liên Hợp Quốc, theo Reuters, đại sứ của Anh, Pháp và Mỹ cho rằng, không còn nghi ngờ về việc chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công hóa học. Trong khi đó, phe đối lập của Liên minh Syria cho rằng, báo cáo chứng tỏ chỉ có chính phủ Syria mới thực hiện các cuộc tấn công này.

Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã phản đối báo cáo trên và cho rằng, không có đủ bằng chứng để quy trách nhiệm về vụ tấn công cho lực lượng chính phủ.

Đại sứ Syria từ chối bình luận về báo cáo.

Nguyễn Thủy
Theo Reuters

Theo Dịch
MỚI - NÓNG