Hai cuộc gặp giữa TNS Mỹ John McCain với Tướng Giáp

Hai cuộc gặp giữa TNS Mỹ John McCain với Tướng Giáp
TPO-Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain vừa có bài viết đăng tải trên Wall Street Journal bày tỏ sự khâm phục về tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đánh giá cao tình cảm của Đại tướng dành cho ông.

> Những cựu binh ở Điện Biên, hồi ức về Đại tướng trong nước mắt

Tiền Phong Online xin dịch lại bài viết của Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain:

Nhà chỉ huy quân sự tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp
Nhà chỉ huy quân sự tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

Tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần. Lần thứ nhất là ở một bệnh viện quân y của Việt Nam, nơi tôi được đưa đến ngay sau khi bị bắt vào hồi năm 1967. Cha tôi lúc bấy giờ đang chỉ huy các lực lượng quân đội ở Thái Bình Dương và tất nhiên tôi trở thành đối tượng được quan tâm số 1.

Tôi nhớ có rất nhiều quan chức cấp cao, nhiều nhân viên an ninh ở đó nhưng tướng Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, là người duy nhất mà tôi nhận ra. Ông đứng đó một lát, nhìn thẳng vào tôi sau đó ngoảnh đi chỗ khác mà không nói câu nào.

Lần thứ hai tôi gặp ông là vào đầu năm 1990, trong một lần tới Hà Nội để bàn về vấn đề Quân nhân bị mất tích trong chiến tranh (MIA) và vấn đề tù binh chiến tranh (POW), đồng thời mục đích bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước. Tôi đã bày tỏ mong muốn với Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Lê Mai được phỏng vấn ngắn gọn nhà chỉ huy quân sự huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày hôm sau, tôi được đưa tới một căn phòng theo lối kiến trúc Pháp đặc trưng. Đại tướng đang ngồi chờ ở đó. Trong bộ quần áo màu xám và thắt cà vạt, ông mỉm cười thân thiện.

Đại tướng chào đón tôi nồng nhiệt dưới bức tượng chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã lãnh đạo Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi và Đại tướng vỗ vai nhau như thể là những đồng chí lâu ngày gặp lại hơn là cựu kẻ thù.

Tôi đã hi vọng cuộc gặp mặt của chúng tôi tập trung về vai trò lịch sử của ông. Sau khi tôi từ Việt Nam trở về năm 1973, tôi đã đọc mọi thứ liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam, bắt đầu với tác phẩm Hell in a Very Small Place (tạm dịch là địa ngục ở vùng đất nhỏ bé” của Bernard Fall, một tác phẩm nghiên cứu về cuộc chiến Điện Biên Phủ 1954, nơi chế độ thuộc địa Pháp thực sự bị chấm dứt và thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm cả thế giới chấn động.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại các phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại các phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân.

Tôi muốn nghe tướng Đại tướng miêu tả trận chiến kéo dài gần hai tháng đó và giải thích tại sao lực lượng của ông lại có thể di chuyển những cỗ pháo vượt qua sườn núi, xuyên qua rừng khiến quân Pháp phải khiếp sợ. Tôi cũng muốn nói chuyện với Tướng Giáp về “đường mòn Hồ Chí Minh”.

Tôi biết ông cũng tự hào về tên gọi “Napoleon đỏ” mà thế giới đặt cho ông và tôi đã tưởng ông sẽ nhân cơ hội gặp tôi để nói về chiến thắng lừng lẫy. Tôi muốn cả hai coi nhau như những sỹ quan về hưu và những “cựu kẻ thù” có trách nhiệm về những sự kiện lịch sử mà ông đóng vai trò hết sức to lớn, còn tôi thì quá nhỏ bé. Thế nhưng, Tướng Giáp chỉ trả lời câu hỏi của tôi một cách ngắn gọn, chia sẻ ít hơn cả những gì tôi đã biết và sau đó ông giơ tay ra hiệu ngừng lại.

“Tất cả là quá khứ. Tôi và anh nên bàn chuyện tương lai khi mà Mỹ và Việt Nam không còn là kẻ thù, mà là bạn”, đó là câu nói mà Tướng giáp nói với tôi. Sau đó, chúng tôi, hai chính trị gia đã thảo luận về những việc giữa hai nước, một trong những mục đích mà tôi đến Việt Nam.

Tôi cho rằng, Tướng Giáp là bậc thầy về vận dụng chiến thuật hậu cần, nhưng danh tiếng của ông còn nhiều hơn thế. Những chiến thắng mà ông đạt nhờ vào những đường lối chiến lược kiên trì mà ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút và thành công.

Cuối buổi gặp, chúng tôi đứng dậy và bắt tay nhau. Khi tôi chuẩn bị quay đi, Đại tướng nắm lấy tay rồi nói nhỏ “ông là một kẻ thù danh dự”.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu rõ ý của Đại tướng. Liệu có phải ông muốn so sánh quân đội của chúng tôi với quân phát xít Nhật, thực dân Pháp hay Trung Quốc, hay đó là sự thừa nhận ngầm rằng chúng tôi (Việt Nam–Mỹ. P.V) đã chiến đấu vì lý tưởng. Nhưng dù ý của ông là gì thì tôi vẫn đánh giá cao tình cảm của ông.

Nguyễn Thủy
Theo Wall Street Journal

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.