Vì sao Mỹ nghe lén cả đồng minh?

Vì sao Mỹ nghe lén cả đồng minh?
TP - Sau Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý... ngày 5/11, tới lượt Nhật Bản và Hàn Quốc cũng lên tiếng phản đối, sau khi báo The New York Times tiết lộ Mỹ xem hai đồng minh thân cận nhất của mình ở châu Á như các trọng điểm do thám.

> Mỹ giấu thiết bị nghe trộm trong tường nhà các đại sứ quán
> Mỹ - Đức sẽ ký thỏa thuận không nghe lén

Quan hệ đồng minh Mỹ-Đức phần nào sứt mẻ sau vụ bê bối nghe lén nhằm vào Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Getty Images
Quan hệ đồng minh Mỹ-Đức phần nào sứt mẻ sau vụ bê bối nghe lén nhằm vào Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Getty Images.

Điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 29/10, cả tướng Keith Alexander - Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và ông James Clapper - Giám đốc Chương trình tình báo chính phủ Mỹ, nói rằng, việc nắm được kế hoạch cũng như ý định của các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn là nền tảng cho hoạt động tình báo Mỹ nhiều thập niên qua. Đó là những nguồn tin vô giá để xác định các nước toan tính gì với Mỹ, và cách tốt nhất để hiểu ý định của các nhà lãnh đạo là nghe lén họ.

Ngày 5/11, Bộ Ngoại giao Đức "mời" Đại sứ Anh Simon McDonald tới, yêu cầu giải thích về thông tin được tiết lộ trên báo Anh The Independent, rằng có một hệ thống do thám trên nóc tòa đại sứ Anh ở Berlin.

Biện bạch của hai nhân vật cộm cán ngành tình báo Mỹ hé lộ vấn đề niềm tin, bạn bè và đồng minh của Mỹ có nhiều loại khác nhau và được đối xử không giống nhau.

Tờ Spiegel (Đức) và The Guardian (Anh) đưa tin, tình báo Mỹ duy trì quan hệ mật thiết và có thỏa ước mật về chia sẻ thông tin với cơ quan tình báo 4 nước nói tiếng Anh gồm Anh, Canada, Úc, New Zealand. Mỹ không có thỏa ước tương tự với các đồng minh không nói tiếng Anh.

Mỹ khai sinh internet, và có các ông lớn quản lý nhiều “công dân” nhất trong thế giới số như Google, Facebook, Yahoo!, Twitter... Cơ quan tình báo dễ dàng theo dõi ai đó hay thu thập thông tin cần thiết thông qua các kênh này, các nhà phân tích nhận định.

Dù các đại gia internet trên đều bác bỏ sự liên can, thậm chí lên án chương trình nghe lén của Mỹ, nhưng hai nhà báo Jacques Follorou và Martin Untersinger phanh phui bê bối của NSA trên tờ Le Monde (Pháp) tin rằng, họ phải tuân theo luật của Mỹ sau vụ 11/9.

Tướng Alexander quả quyết, mọi hoạt động của NSA đều nằm trong khuôn khổ đạo luật về do thám thông tin tình báo nước ngoài từ năm 1978. Đặc biệt, sau sự kiện 11/9, với lý do chống khủng bố, Mỹ ra đạo luật cho phép nghe lén mọi tổ chức, cá nhân nghi vấn.

Lợi ích trên hết

Hiện nay, 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn tranh cãi việc thông qua dự luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, sớm nhất cũng phải năm 2014. Các nước đồng minh của Mỹ cho rằng, hoạt động gián điệp của Mỹ hoàn toàn không chấp nhận được một khi đã là bạn bè.

Theo giới quan sát, tuy là đồng minh, song trên nhiều vấn đề, chưa chắc quan điểm, mục tiêu, lợi ích các nước có thể chia sẻ được với nhau. Thủ tướng, Ngoại trưởng Anh Lord Palmerston hồi thế kỷ 19 nói: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Tướng Alexander chối bỏ việc tình báo Mỹ đánh cắp bí mật thương mại của các công ty nước ngoài, nhằm làm lợi cho doanh nghiệp Mỹ trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt.

Nhưng ông Alain Juillet, Chủ tịch CLB Giám đốc an ninh doanh nghiệp Pháp, quả quyết: “Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ xây dựng một hệ thống điện tử khổng lồ nhằm thu thập thông tin chống Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, giới chức Washington sử dụng một phần cỗ máy khổng lồ đó vào hoạt động tình báo kinh tế trên khắp thế giới”.

Hai nhà báo Jacques Follorou và Martin Untersinger khẳng định, hệ thống tình báo của Mỹ ngày càng tinh vi, quy mô được huy động cho cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng được dùng vào mục đích tình báo đối ngoại, kinh tế và không loại trừ việc theo dõi cả công dân bình thường.

Đặng Vương Hạnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG