Việt Nam - Campuchia thúc đẩy hợp tác toàn diện

Việt Nam - Campuchia thúc đẩy hợp tác toàn diện
TP - Hội đàm sáng 26/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định những thành tựu to lớn mà nhân dân Campuchia đạt được trong 35 năm sau khi chế độ diệt chủng sụp đổ với sự giúp đỡ của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh-quốc phòng, đề cao lập trường chung của ASEAN về biển Đông...

> Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Việt Nam
> Chính phủ Campuchia: 9 phó thủ tướng, 27 bộ trưởng

Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác song phương. Ảnh: Trúc Quỳnh
Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác song phương. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Thủ tướng Hun Sen chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm chính thức sau khi được tái bổ nhiệm.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của đoàn Campuchia nhằm thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng và vững chắc trong thời gian tới.

Chiều 26/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Thủ tướng Hun Sen. Cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng Nhân dân Campuchia, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia anh em đã đạt được trong 35 năm qua kể từ khi lật đổ chế độ diệt chủng (7/1/1979): đất nước hồi sinh, thực hiện thành công hòa hợp dân tộc, thiết lập hòa bình trên toàn lãnh thổ Campuchia, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng quan trọng, nâng cao đời sống cho người dân, nâng cao vị thế và uy tín của Campuchia.

Hai bên đồng ý sẽ tiếp tục duy trì trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau phát huy những lợi thế sẵn có của mỗi nước, đẩy mạnh hợp tác biên mậu, du lịch, viễn thông, hàng không, ngân hàng, dầu khí, cây công nghiệp, nông nghiệp…, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. Hai Thủ tướng nhất trí khuyến khích, hỗ trợ và đảm bảo cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam ở Campuchia, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Sớm hoàn thành cắm mốc biên giới

Hai Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chức năng hai bên trong việc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước thời gian qua; đồng thời khẳng định quyết tâm của chính phủ hai nước nhằm sớm hoàn thành công tác này, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; tăng cường hợp tác ngăn chặn các hoạt động khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, ma túy, buôn bán người... Hai bên tái khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại an ninh và can thiệp công việc nội bộ của nước kia.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ Campuchia, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương Campuchia đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia và nhất trí phối hợp các hoạt động thiết thực kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979-7/1/2014).

Hai bên nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và đối xử bình đẳng cho kiều dân của nhau như đối với ngoại kiều khác ở mỗi nước; đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Campuchia trong việc đảm bảo các quyền hợp pháp của kiều dân Việt Nam sinh sống và làm ăn bình thường ở Campuchia.

Đối với vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí đề cao lập trường chung của ASEAN như đã nêu trong Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông, coi trọng gìn giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác với nhau trong khuôn khổ đa phương như LHQ, ASEAN và các cơ chế hợp tác khác ở khu vực và tiểu vùng.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký 10 văn kiện hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dẫn độ, thương mại, quá cảnh hàng hóa, tín dụng xây dựng cầu Long Bình-Chrây Thom, giáo dục đào tạo, thông tin - truyền thông, lưu trữ, phân bón...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG