Thế giới 2014: Nóng ngay từ đầu năm

Thế giới 2014: Nóng ngay từ đầu năm
TP - Hàng loạt tranh chấp khu vực, bất ổn chính trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo, cuộc đấu trên bàn cờ nước lớn và những đứt gãy, va chạm giữa ranh giới các nền văn minh trong năm 2014 vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

> Thủ tướng Nhật không được chào đón ở Trung Quốc
> Tổng thống Nga tuyên bố đấu tranh chống khủng bố đến cùng

Trung - Nhật - Hàn - Triều

Bầu không khí Đông Bắc Á những ngày đầu năm mới 2014 đã sớm nóng bỏng bởi những xáo trộn trên bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa dân tộc dâng cao liên quan tranh chấp chủ quyền và cả những ân oán lịch sử.

Đón năm mới, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên công khai vạch tội ông Jang Song-thaek, đồng thời cảnh báo về thảm họa hạt nhân cực lớn và dọa Mỹ sẽ không thể bình yên vô sự nếu chiến tranh xảy ra.

Trung Quốc tuyên bố “đóng cửa” đối thoại với chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trừ phi ông Abe thừa nhận những sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền. Phản ứng gay gắt này đã được báo trước khi Thủ tướng Abe chọc giận Trung Quốc, Hàn Quốc với chuyến thăm đền chiến tranh Yasukuni.

Trung Quốc cáo buộc ông Abe “đạo đức giả”, miệng kêu gọi hòa bình nhưng lại tìm cách làm sống dậy chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thời Thế chiến… Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ xây dựng “nước Nhật Bản mới”, hứa đẩy mạnh cải cách kinh tế và thề quyết bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Quan hệ Trung-Nhật băng giá tiếp tục dấn sâu vào “vùng thời tiết xấu”.

Nga - Ukraine - Syria

Ngay khi năm 2014 sắp mở cửa, nước Nga hứng chịu liên tiếp hai cuộc tấn công khủng bố mang đậm màu sắc thánh chiến Hồi giáo tại Volgograd. Ngày 1/1/2014, Tổng thống Putin tới Volgograd, đặt hoa tại địa điểm xe điện bị đánh bom khủng bố và thăm một bệnh viện đang điều trị một số người bị thương.

Bất chấp tình trạng xuất hiện nhiều khu vực bất ổn, điểm nóng tiềm tàng hoặc những thách thức an ninh mới, hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng phụ thuộc chặt chẽ với nhau.

Khu vực Bắc Caucasus, nơi quy tụ nhiều nước cộng hòa nhỏ thuộc Nga thanh bình và lãng mạn như trong cuốn “Daguestan của tôi” của Rasul Gamzatov thuở nào, giờ đây lan tràn làn sóng đánh bom liều chết đẫm máu.

Trùm khủng bố Chechnya Doku Umarov đã phát động một cuộc chiến tàn khốc chống Nga, mục tiêu trước mắt là phá hoại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014.

Trong thông điệp mừng năm mới, Tổng thống Putin thề tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, nhưng đây thực sự là cuộc chiến cân não dài hơi, một thử thách gai góc nước Nga buộc phải đối mặt.

Một điểm nóng khác tiếp nối sang 2014 cũng liên quan ông Putin là Ukraine. Mặc dù có vẻ Mátxcơva đã “quy phục” Kiev trở lại quỹ đạo, song chính trường Ukraine còn lâu mới yên tĩnh trở lại, vẫn tiếp tục là đấu trường giành giật ảnh hưởng không khoan nhượng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc chiến tại Kiev phản chiếu phần nào đấu trường rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây trên nhiều mặt trận từ kinh tế, thương mại cho tới ngoại giao, quân sự trên phạm vi toàn cầu: Từ chính sách đông tiến của EU và NATO cho tới vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa, khủng hoảng Syria hay vấn đề hạt nhân Iran…

Syria dù tránh được phương Tây tấn công quân sự, nhưng cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Không chỉ Syria, hầu như tất cả những quốc gia mà Mỹ và NATO từng can thiệp quân sự bằng cách trực tiếp đưa quân vào, đột kích đặc nhiệm hay tấn công bằng máy bay không người lái như Iraq, Afghanistan, Libya, Pakistan, Yemen, Nam Sudan… đều trở thành những khu vực bất ổn, miền đất hứa cho al-Qaeda sinh sôi. Bất ổn chính trường Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đe dọa chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Thái Lan - Campuchia

“Sẽ chiếm Bangkok ngay đầu năm 2014” là tuyên bố của thủ lĩnh phe biểu tình đối lập Suthep Thaugsuban. Đó hoàn toàn không phải lời đe dọa suông bởi chính trường Thái Lan đã rung chuyển bởi cuộc chiến đường phố suốt hai tháng qua, tình thế bế tắc kéo dài hiện nay khiến tất cả phấp phỏng về một cuộc đảo chính nữa trong nay mai.

Cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2 tới khó lòng suôn sẻ và những ngày sóng gió phía trước đang chờ đón nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nước láng giềng Campuchia cũng đang phải trải qua những ngày giông bão, khi thủ lĩnh đảng đối lập Sam Rainsy liên tục huy động hàng chục ngàn người biểu tình, đòi tổ chức bầu cử lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG