Trực thăng, tàu chiến đột kích ổ sản xuất ma túy đá

Trực thăng, tàu chiến đột kích ổ sản xuất ma túy đá
TP - Hơn 3.000 cảnh sát được huy động cùng ô tô, máy bay trực thăng, tàu chiến để tấn công vào một ngôi làng - ổ sản xuất ma túy đá. Vụ việc như trong phim Hollywood này không phải diễn ra ở Mexico hay vùng Tam giác vàng, mà ở ngay một làng ven biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 29/12/2013 vừa qua.

> Trung Quốc điều trực thăng truy quét ma túy

Ma túy đá bị tịch thu ở nhà Phó bí thư Thái Hán Vũ
Ma túy đá bị tịch thu ở nhà Phó bí thư Thái Hán Vũ.

Trước đây CA tỉnh Quảng Đông đã 2 lần tấn công vào đây nhưng đều bị chống trả quyết liệt: dưới đất là chông sắt, trên đầu thì đá chọi từ các mái nhà, dân làng sử dụng cả AK, lựu đạn, cung tên để chống trả. Họ dội axit từ các mái nhà xuống, tuy đã được trang bị các dụng cụ phòng hộ, nhưng tình hình rất căng. Kỳ này phải huy động lực lượng tổng hợp đánh từ ngoài vào, trên trời xuống, dưới biển lên.

Bí thư chi bộ thôn kiêm bảo kê

Chiến dịch đặc biệt này mang tên Sấm sét quét ma túy do Sở Công an tỉnh Quảng Đông tiến hành, huy động lực lượng của các nơi, tàu chiến của lực lượng biên phòng nhằm vào thôn Bác Xã, thuộc thị trấn Giáp Tây, thành phố Lục Phong.

Mục tiêu đầu tiên là tóm cổ Thái Đông Gia, đại biểu HĐND thành phố, Bí thư chi bộ thôn cùng 14 quan chức đảng, chính quyền thôn khác. Ngoài ra, đồn trưởng và nhiều nhân viên đồn cảnh sát địa phương cũng bị bắt ngay vì tội bảo kê tội phạm.

Thái Đông Gia bị bắt khi đang dẫn một đoàn đến thị xã Huệ Châu gặp cảnh sát để “thương lượng” tìm cách cứu em trai là trùm ma túy Thái Lương Hỏa vừa bị tóm mấy hôm trước.

Bác Xã chỉ là 1 trong số 7 thôn trọng điểm sản xuất ma túy đá ở thị trấn Giáp Tây, chưa kể các làng khác ở Giáp Đông, Giáp Tử. Từ ngày 1/1/2014 chính quyền thành phố Lục Phong đã đưa các tổ công tác gồm hơn 500 người về Bác Xã và 6 thôn kia để thay thế các cán bộ “sâu mọt”, triệt phá các xưởng chế biến ma túy, tuyên truyền vận động dân chúng từ bỏ ngành nghề tội lỗi này, quay lại nghề trồng trọt, đánh cá, làm ăn lương thiện, làm giàu chính đáng.

Theo cán bộ chuyên án, Thái Đông Gia từ lâu cũng tham gia sản xuất ma túy, nhưng sau khi ngồi ghế quan chuyển sang làm bảo kê, nhận hối lộ. Việc bắt y sớm khiến toàn bộ chiến dịch diễn ra thuận lợi. Ngoài tội lạm dụng chức quyền, y sẽ có thể bị truy cứu tội bao che tội phạm.

Một “ô dù” lớn khác là Thái Hán Vũ, Phó Bí thư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thôn, kiêm luôn “nghề” buôn ma túy. Ông quan này bị bắt khi đang ngủ với vợ, khám nhà, cảnh sát thu được tới 350 kg ma túy đá thành phẩm. Trong số những cán bộ đảng, chính quyền làm bảo kê có cả cán bộ công an thành phố và đồn trưởng địa phương.

Giải thích về việc quan chức cảnh sát dính chàm, Dương Chí Minh, Cục trưởng CA Lục Phong nói: do lương thấp, chỉ khoảng 2000 tệ/tháng (7 triệu VNĐ) nên một số cảnh sát thấy người khác có nhà có xe, sinh ra tham tiền, nhận bảo kê tội phạm. Hồi tháng 6/2013 đã có 21 cán bộ đảng, chính quyền bị xử lý kỷ luật, 7 người bị đình chức kiểm tra, một loạt cán bộ bị hoán đổi, nhưng tình hình vẫn thế.

Cả làng tham gia sản xuất ma túy đá

Từ năm 2011, thành phố Lục Phong, Sơn Vĩ đã được chính phủ Trung Quốc liệt vào danh sách các “vùng trọng điểm ma túy cần dẹp bỏ”. Cả 3 thị trấn Giáp Tây, Giáp Đông, Giáp Tử đều nằm trong vùng trọng điểm này, nhưng thôn Bác Xã là điểm ghê gớm nhất.

Cả làng 14 ngàn dân đều là người họ Thái, trên 20% gia đình trực tiếp mở lò hoặc góp cổ phần tham gia sản xuất ma túy đá, lấy chế biến ma túy là “cột trụ kinh tế”.

Do cả làng làm nghề sản xuất ma túy nên môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, nước mặt và nước ngầm đều không sử dụng được, dân chúng phải mua nước đóng bình về dùng.

Vườn tược bị bỏ hoang vì cây cối, rau quả không mọc nổi. Cả làng chế biến ma túy nên nguồn điện lưới không chịu nổi tải, liên tục chập, cháy, khiến mọi nhà đều phải sắm máy phát điện chạy dầu, có nhà xây hẳn nhà máy điện diezen cung cấp cho xung quanh.

Do trong làng nhà cửa phần lớn đều xây kiểu cũ, mái thấp, chật chội, lối đi giữa các nhà chưa đầy 1m, mọi nơi mọi chỗ đều được dùng để chứa nguyên liệu và ma túy thành phẩm. Các xưởng chế biến đều mở công khai trong khuôn viên từng nhà.

Nhà làm lớn thì mua lưới ngụy trang về che bên trên vườn, nhà nhỏ thì quây một góc nhà, phế liệu bị đem vất, đổ bừa bãi. Ở cổng làng có một tấm biển lớn của Ủy ban thôn: “Nghiêm cấm đổ phế thải ma túy bừa bãi”. Trong làng rác ma túy chất đống cao hàng mét, mùi hôi thối, mùi hóa chất nồng nặc.

Cả làng tham gia chế biến ma túy theo dây chuyền, phụ nữ, người già và trẻ em đều có việc. Phụ nữ nếu làm thuê băm chặt cỏ Ma hoàng thành các đoạn 3-4cm mỗi ngày cũng kiếm được từ 300-500 tệ (1-1,6 triệu VNĐ); trẻ em thì tranh thủ lúc nghỉ học làm thêm việc bóc vỏ con nhộng đổ ma túy vào cũng kiếm được 10 ngàn tệ/tháng.

Sản xuất ma túy là nghề siêu lợi nhuận nên trong làng xuất hiện nhiều biệt thự sang trọng, dân chúng vung tiền tiêu xài, giá cả mọi thứ đều tăng vọt, làm khổ lây dân chúng những làng làm nghề nông lân cận.

Các ổ sản xuất ma túy đá ở đây sử dụng nguyên liệu thô là cỏ Ma Hoàng nhập từ An Huy và Nội Mông. Cỏ độc được thu mua phi pháp, tập kết và vận chuyển về bằng xe tải cỡ lớn.

Qua các công đoạn, mỗi tấn cỏ có thể cho ra 4kg ma túy đá. Tuy nhiên, gần đây, các ông trùm ma túy đã tìm ra phương pháp sản xuất ra ma túy đá từ Bromophenylacetone – một loại hóa chất không thuộc loại hàng cấm được mua từ Phúc Kiến.

Ông Khưu Vĩ, chính ủy Cục cảnh sát chống ma túy Quảng Đông cho biết, một kg ma túy đá trước đây giá mấy chục vạn tệ, nay chỉ còn 10 ngàn, thậm chí có nơi bán có 7000 tệ (25 triệu VNĐ)”.

Thu Thủy
Theo báo chí Trung Quốc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.