Anh đối mặt nguy cơ mất Scotland

Cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland diễn ra trong hôm nay để định đoạt việc ở lại hay tách khỏi Vương quốc Anh. Ảnh: Al-Jazeera
Cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland diễn ra trong hôm nay để định đoạt việc ở lại hay tách khỏi Vương quốc Anh. Ảnh: Al-Jazeera
TP - Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland ở lại hay tách khỏi Vương quốc Anh, 3 cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, xấp xỉ một nửa dân số Scotland ủng hộ xứ này độc lập.

Một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bỉ… lo ngại việc Scotland độc lập sẽ tạo ra cơn lốc ly khai.

Số phận của Vương quốc Anh đến hôm qua vẫn chưa chắc chắn vì 3 cuộc thăm dò dư luận do 3 tổ chức ICM, Opinium và Survation thực hiện cho thấy 48% người dân ủng hộ Scotland tách ra, trong khi 52% ủng hộ giữ nguyên như cũ.

Những cuộc khảo sát này cho thấy, 8-14% trong số 4,3 triệu cử tri Scotland vẫn chưa quyết định ủng hộ lựa chọn nào trước khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào hôm nay (18/9). 

Trong khi Vương quốc Anh phải đối mặt mối đe dọa lớn nhất từ khi Ireland tách ra gần 1 thế kỷ trước, từ Thủ tướng Anh David Cameron tới ngôi sao bóng đá David Beckham đang đoàn kết trong một nỗ lực thuyết phục người dân Scotland rằng Vương quốc Anh “tốt hơn nếu ở lại cùng nhau”. 

Nỗ lực gạt đi lý lẽ của Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond, lãnh đạo London hứa hẹn sẽ bảo đảm mức chi ngân sách cao và cho phép Scotland có quyền kiểm soát lớn hơn đối với vấn đề tài chính của họ. 

Theo thỏa thuận do cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown làm trung gian, lãnh đạo của 3 đảng chính trị lớn của Anh nói rằng, họ sẽ bảo đảm mức chi tiêu công lớn hơn cho vùng lãnh thổ ở miền bắc. 

Lãnh đạo Anh chấp nhận rằng, ngay cả khi người Scotland bỏ phiếu để giữ lại liên minh đã tồn tại 307 năm nay, cấu trúc của Vương quốc Anh sẽ phải thay đổi vì việc trao quyền lực lớn hơn cho Scotland sẽ dẫn đến việc người dân ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland đòi hỏi một nhà nước phân quyền hơn.

Trong chuyến thăm gần đây nhất tới Scotland trước cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Cameron cảnh báo rằng, nếu tách ra, Scotland sẽ không có đường quay lại và việc độc lập cũng sẽ rất đau đớn. Ông Cameron tuyên bố, nếu người Scotland không thích ông thì ông cũng không mãi là thủ tướng.

Nhưng nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Alex Salmond bác bỏ đề xuất trao thêm quyền cho xứ sở này, rằng chuyến đi tiếp theo của ông Cameron tới Scotland sẽ là để thương lượng về các điều khoản ly khai trong hiệp ước năm 1707 về liên minh Anh và Scotland. 

“Đó thực sự là một sự sỉ nhục đối với trí tuệ của người dân Scotland khi nói lại những đề xuất này trong giờ phút cuối cùng của phong trào và hy vọng trên cả hy vọng rằng người dân sẽ nghĩ điều đó là cái gì đáng kể”, nhà lãnh đạo 59 tuổi nói.

Nếu người dân Scotland đồng ý tách ra, Anh và Scotland sẽ trải qua 18 tháng đàm phán để thỏa thuận mọi thứ, từ dầu ở biển Bắc tới đồng bảng Anh, từ tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) đến việc di chuyển căn cứ tàu ngầm hạt nhân chính của Anh.

Mỹ tuyên bố muốn Vương quốc Anh tiếp tục “vững mạnh, mạnh mẽ và đoàn kết”. Ông Martin Amis, một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của Anh, nói rằng, việc tách ra sẽ là bước tiến lớn trong bóng tối. “Điều còn lại đối với Scotland sẽ là một đất nước cực kỳ tụt hậu”, nhà văn chuyên khai thác mảng tối của đời sống nước Anh nói.

Tây Ban Nha lo lắng

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cảnh báo, cuộc trưng cầu dân ý độc lập ở Scotland hay vùng Catalonia của Tây Ban Nha sẽ như một quả ngư lôi bắn vào sự hội nhập của châu Âu. Phát biểu trước các nghị sĩ nước này, Thủ tướng Mariano Rajoy cho rằng, những tiến trình như vậy sẽ tạo thêm “sự tụt hậu kinh tế và nghèo khổ”. 

Ông Rajoy nói nếu người Scotland ủng hộ độc lập, họ sẽ phải nộp đơn lại để xin gia nhập EU với tư cách quốc gia thành viên mới. Những người Catalonia ủng hộ độc lập đang theo dõi sát sao cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland để dự tính cho một cuộc bỏ phiếu tương tự tại Calalonia vào tháng 11 tới. 

Nghị viện vùng Catalonia sắp bỏ phiếu về một bản nghị quyết để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Tuần trước, hàng trăm ngàn người Catalonia tụ tập làm dấu “V” (vote - bỏ phiếu) dọc hai đại lộ chính của Barcelona để đòi quyền bỏ phiếu. Nhưng chính phủ Tây Ban Nha phản đối bất kỳ động thái nào để Calalonia độc lập. Phát biểu trước nghị viện hôm qua, ông Rajoy mô tả những cuộc trưng cầu dân ý như ở Scotland là “quả ngư lôi dưới dòng chảy hội nhập của châu Âu”, và rằng tinh thần của thời đại ngày nay là hội nhập, không phải tách ra.

Trước sự phản đối của Tây Ban Nha đối với việc Scotland sẽ tự động được gia nhập EU, Thủ hiến Alex Salmond nói rằng, Scotland chiếm 1% dân số châu Âu, nhưng có 20% trữ lượng cá, 25% năng lượng tái tạo và 60% sản lượng dầu. Ông Salmond nói bất kỳ ai cho rằng Scotland sẽ không được hoan nghênh ở EU đều không hiểu EU “chấp nhận các kết quả dân chủ” và Scotland “có rất nhiều thứ để đóng góp”.

Theo quy định về trưng cầu dân ý, Scotland sẽ độc lập nếu có hơn 50% phiếu thuận. Càng sát ngày bỏ phiếu, tỷ lệ ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh càng tăng.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.