Anh lo ngại làn sóng chiến binh Hồi giáo

TP - Hôm qua, chính phủ Anh cho biết, kể sau vụ tấn công Westminster, họ đang phải đối mặt những thách thức mới liên quan các chiến binh Hồi giáo quay về từ Syria.

Theo số liệu thống kê hồi năm ngoái, ước tính 400 chiến binh Hồi giáo gốc Anh đã trở về nước sau khi đến Syria tham gia đội quân thánh chiến cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong đó, 54 người bị truy tố, 30 người đối mặt phán quyết của tòa. Trước sự thất bại ngày càng nhiều của IS tại các chiến trường Iraq và Syria, ngày càng nhiều chiến binh sinh ra và lớn lên ở Anh trở về nước.

Theo một điều tra của báo Anh Mail on Sunday, hầu hết chiến binh Hồi giáo quay về từ Syria hiện đi lại tự do trên đường phố Anh. Anh đã áp dụng biện pháp Điều tra và Phòng chống khủng bố, bao gồm việc gắn thẻ điện tử, ra lệnh hạn chế về di chuyển, hoạt động tài chính và truyền thông.

Chuyên gia về khủng bố Anthony Glees cho biết, cuộc tấn công tuần trước ở London đã chứng minh rõ ràng mức độ đe dọa của hình thức khủng bố “con sói đơn độc” có thể gây ra. Giáo sư Glees, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo và an ninh của Đại học Buckingham, nói: “Những người này cần được xem xét nghiêm túc. Trong khi việc giam giữ chưa được chấp nhận, chúng ta cần sử dụng thêm nhiều biện pháp điều tra và phòng chống khủng bố”.

Anh lo ngại làn sóng chiến binh Hồi giáo ảnh 1

Nghi phạm tấn công khủng bố Khalid Masood đã bị bắn chết. Ảnh: Daily Mail.

Khủng bố lợi dụng ứng dụng nhắn tin

Những người hàng xóm của Khalid Masood, 52 tuổi, kẻ gây ra vụ tấn công làm 4 người chết, 29 người bị thương ở cầu Westminter, trước tòa nhà Quốc hội Anh vừa qua, đã hết sức bàng hoàng khi biết hắn là kẻ khủng bố. Họ thường đưa ra những nhận xét tốt về Masood như: người cha tốt, chăm chỉ làm vườn, không có dấu hiệu khủng bố…

Mới đây, cơ quan an ninh Anh phát hiện ra rằng, 6 tuần trước khi gây ra vụ tấn công trên, Masood sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram để trao đổi về kế hoạch tấn công. Chưa rõ những chiến binh trở về từ Syria có tác động tới Masood không.

Theo Sunday Mirror, vài tuần trước khi vụ tấn công Westminster xảy ra, thông qua một ứng dụng nhắn tin bí mật, những kẻ cuồng tín IS kêu gọi một cuộc tấn công “sói đơn độc” vào Quốc hội. Trên ứng dụng Telegram, chúng đã lập danh sách các nạn nhân tiềm năng và các mục tiêu hoàn hảo ở Anh, bao gồm các chính trị gia, câu lạc bộ, trường học Do Thái.

Sáu tuần sau các cuộc trò chuyện trên Telegram, Khalid Masood đã lao xe vào đám đông, dùng dao tấn công trước cửa tòa nhà Quốc hội. Trong các cuộc trò chuyện qua Telegram, những kẻ khủng bố bàn chuyện tấn công sân vận động bóng đá do an ninh lỏng lẻo. Chúng cũng liệt kê các phương pháp tấn công khác nhau. Những kẻ khủng bố trao đổi với nhau: “Thiết bị có thể được để lại quanh sân vận động, quán bar, xe hơi, xe buýt, tàu hỏa, vận tải... Các cuộc tấn công có thể bao gồm chất nổ, súng, dao, hóa chất…”.

Ứng dụng Telegram cũng được những kẻ cuồng tín sử dụng trước cuộc tấn công ở thành phố Nice (Pháp) vào tháng 7/2016 và ở Berlin (Đức) vào tháng 12/2016. Ứng dụng này được những kẻ khủng bố ưa chuộng vì nó sử dụng mã hóa đầu cuối, được thiết kế để đảm bảo rằng, chỉ người gửi và người nhận mới có thể xem được nội dung tin nhắn.

Người ta tin rằng, những đoạn băng hình quay các cuộc tấn công khủng bố cũng được đưa lên Telegram để truyền cảm hứng cho đồng bọn. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan an ninh và chống khủng bố Anh dường như vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn khủng bố thông tin liên lạc qua các ứng dụng kiểu như Telegram.

Xả súng ở Mỹ

Một giờ sáng qua, một người xả súng vào đám đông tại hộp đêm Cameo ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, khiến ít nhất một người chết, 14 người bị thương. Đến đêm qua, tay súng chưa bị bắt. Cảnh sát Cincinnati thông báo, không có dấu hiệu cho thấy đây là vụ tấn công khủng bố, CNN đưa tin.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...