APEC thúc đẩy lộ trình tự do thương mại

TP - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hôm qua đồng ý với lộ trình thúc đẩy và hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc đưa ra. 
APEC thúc đẩy lộ trình tự do thương mại ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự APEC 22 sáng 11/11. Ảnh: TTXVN 

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại Bắc Kinh, Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 22 kết thúc ngày 11/11 với việc thông qua hai tuyên bố và 4 văn kiện kèm theo, đề ra những định hướng lớn cho liên kết và quyết định thiết lập một số cơ chế hợp tác.

Kết quả nổi bật là việc các nhà lãnh đạo khẳng định lợi ích và quyết tâm chung duy trì vai trò của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo nhất trí, cần nỗ lực nâng tầm hợp tác, liên kết để đề cao vị thế của Diễn đàn trong giai đoạn phát triển mới và góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. 

Hội nghị thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối APEC giai đoạn 2015 - 2025. Đây là lần đầu tiên APEC đề ra các biện pháp tăng cường kết nối tổng thể với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là kết nối cơ sở hạ tầng, nhằm tạo thêm động lực hình thành một thị trường chung rộng lớn và không gian thống nhất cho tăng trưởng và phát triển của cả khu vực. Hội nghị nhất trí về Lộ trình đóng góp của APEC trong hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Như vậy, chỉ trong gần một thập kỷ, ý tưởng về FTAAP nay đã trở thành mục tiêu cụ thể của APEC. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua Thỏa thuận của APEC về phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế, để tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, đồng đều và phát huy tiềm năng mới của kinh tế mạng, hợp tác đại dương, ứng phó các thách thức toàn cầu, an ninh lương thực, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển...

Việc các nền kinh tế thành viên ủng hộ FTAAP “tượng trưng cho sự khởi động chính thức tiến trình tiến tới FTAAP”, đây là “bước đi lịch sử của chúng ta nhằm hướng tới hiện thực hóa FTAAP”, Xinhua dẫn lời phát biểu bế mạc hội nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc đưa ra ý tưởng về lộ trình FTAAP trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP hướng tới mục đích nới lỏng hạn chế thương mại và tăng cường quan hệ gần gũi với 11 quốc gia trong vành đai Thái Bình Dương, nhưng trong đó không có Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, TPP đang gặp trở ngại lớn vì một số quốc gia, nhất là Nhật Bản, không muốn mở cửa thị trường quá nhiều.

Tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về “mối nguy hiểm tiềm tàng về sự chia rẽ trong cùng khu vực thành những liên minh riêng biệt cạnh tranh với nhau”, hãng tin Nga RIA-Novosti đưa tin. 

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định, FTAAP và TPP không ngược chiều nhau. FTAAP được coi là mục tiêu tương lai, được xây dựng trên các quan hệ đối tác thương mại đa phương như TPP.

Ý tưởng về FTAAP có khả năng sẽ là mục tiêu dài hạn, vì Trung Quốc, nước đi đầu trong nỗ lực này, lại bị cáo buộc là đang bảo vệ thị trường của mình, gây trở ngại cho triển vọng tự do hóa thương mại, CBS News dẫn lời các chuyên gia.

Việt Nam ủng hộ liên kết khu vực

Phát biểu tại phiên họp về “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, với tiềm năng về kinh tế, khoa học, công nghệ, các thành viên và doanh nghiệp APEC cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực, trong đó có ASEAN, ASEAN lục địa, tiểu vùng Mekong.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh và ủng hộ Kế hoạch tổng thể kết nối APEC giai đoạn 2015-2025 và những quyết định quan trọng nhằm tăng cường kết nối, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở giữa các thành viên APEC. Chủ tịch nước nhất trí cần sớm cùng nỗ lực huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, thông qua các cơ chế hợp tác minh bạch và vì mục tiêu phát triển.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á - Thái Bình Dương. Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một Cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ Lộ trình an ninh lương thực của APEC đến 2020, vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21.

Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, trong đó không thể thiếu hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ...  

Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành các thành viên APEC thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.

Gặp Tổng thống Nga, Hàn Quốc…

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 11/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng New Zealand John Key… nhân dịp tham dự APEC 22.

Tại cuộc gặp Tổng thống Nga, hai nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến về phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.

Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường độ tin cậy chính trị cao thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận lời mời của Tổng thống Putin tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát-xít sẽ được tổ chức tại Mátxcơva ngày 9/5/2015.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cùng nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán và ký chính thức Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Kazakhstan-Belarus; tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tại Nga. 

Tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc, hai bên trao đổi về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được, nhất là các chương trình, dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước, sớm hoàn tất đàm phán ký kết FTA Việt Nam-Hàn Quốc.

Tại cuộc gặp Thủ tướng New Zealand, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác, tích cực triển khai Chương trình hành động 2013-2016 nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-New Zealand.

Chiều tối 10/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với Tổng thống Chile Michele Bachelet, Tổng thống Peru Ollanta Humala, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Úc Tony Abbott, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.