ASEAN họp về người Hồi giáo Rohingya

ASEAN họp về người Hồi giáo Rohingya
TP - Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN được tổ chức ngày 19/12 tại Myanmar,  để trao đổi về tình hình diễn biến phức tạp liên quan người Hồi giáo Rohingya đang diễn ra tại bang Rakhine của nước này. Hội nghị do Myanmar tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Lào, nước Chủ tịch ASEAN.

Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, đã cung cấp thông tin cập nhật về những diễn biến phức tạp gần đây ở bang Rakhine đang được dư luận thế giới và khu vực đặc biệt quan tâm. Bà Suu Kyi cũng nêu bật những nỗ lực của Chính phủ Myanmar nhằm lập lại trật tự, ổn định tình hình và bảo đảm cuộc sống của người dân tại đây.

Các bộ trưởng và đại diện các nước ASEAN đã phát biểu bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến những diễn biến xảy ra gần đây tại bang Rakhine; nhấn mạnh đoàn kết, khẳng định ủng hộ Chính phủ Myanmar trong nỗ lực kiểm soát, ổn định tình hình, mong muốn không để tình hình xấu đi và lan rộng, ảnh hưởng đến sự ổn định chung của khu vực. Các đại biểu cũng đề nghị Myanmar cho biết các nhu cầu cụ thể để ASEAN có thể hỗ trợ khi cần thiết. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng đoàn Việt Nam, phát biểu bày tỏ mong muốn Myanmar sớm vượt qua khó khăn, ổn định tình hình; nếu có yêu cầu, Việt Nam sẵn sàng cùng với các nước ASEAN khác hỗ trợ Myanmar một cách phù hợp, trên tinh thần đoàn kết và các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman phát biểu tại cuộc họp rằng, số phận người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar là vấn đề quan ngại của khu vực. Ông Aman kêu gọi ASEAN hợp tác hỗ trợ nhân đạo và điều tra những tội ác chống lại cộng đồng này.

Chính phủ Malaysia cáo cuộc các tay súng có liên hệ với những phần tử nổi dậy người Hồi giáo ở nước ngoài tấn công các đồn an ninh ở khu vực biên giới giáp với Bangladesh, ở phía bắc bang Rakhine, vào ngày 9/11. Quân đội Myanmar đã triển khai lực lượng đến đây sau khi các vụ tấn công khiến 9 sĩ quan cảnh sát thiệt mạng. Ít nhất 86 người chết và khoảng 27.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh từ khi đợt tấn công xảy ra. Người tị nạn và các nhóm nhân quyền cáo buộc binh lính Myanmar thực hiện nhiều vụ giết người tại chỗ, cưỡng hiếp phụ nữ và đốt nhà, Reuters đưa tin.

Phần lớn dân số bang Rakhine là người Hồi giáo nhưng chưa được thừa nhận là công dân Myanmar vì bị coi là người di cư trái phép từ nước láng giềng Bangladesh.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).