ASEAN - Nga: Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

ASEAN - Nga: Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược
TP - Ngày 20/5 tại Nga, Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga thông qua Tuyên bố Sochi, nhất trí tăng cường quan hệ đối thoại, hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích chung.

ASEAN và Nga nhất trí tăng cường Quan hệ Đối thoại dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và thịnh vượng chung nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên sẽ nỗ lực bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. 

Thúc đẩy tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm các nội dung được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các tiêu chuẩn, thông lệ phù hợp của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế, Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận…

“Việt Nam đề xuất một biện pháp cụ thể là Nga xem xét việc cùng các nước ASEAN tổ chức định kỳ, có thể là hằng năm, triển lãm kinh tế - thương mại Nga - ASEAN tại nước Nga”.

 Thủ tướng 

Nguyễn Xuân Phúc

Về hợp tác kinh tế, ASEAN và Nga sẽ tiếp tục đối thoại về cách thức tăng cường hợp tác để hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Kế hoạch tổng thể về AEC năm 2025. Nga đề xuất triển khai một nghiên cứu chung về khả năng xây dựng khu vực thương mại tự do toàn diện ASEAN-EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu).

ASEAN sẽ xem xét sáng kiến này. Về hợp tác văn hóa-xã hội, ASEAN và Nga sẽ mở rộng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp và trao đổi học thuật, đạc biệt giữa các nhà khoa học trẻ, cũng như thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề. Theo đó, một nhóm công tác chung về giáo dục đang được thành lập nhằm giám sát và tăng cường hợp tác giáo dục…   

Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga ghi nhận 5 văn kiện quan trọng, gồm Kế hoạch hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020; Báo cáo khuyến nghị chính sách của Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN-Nga; Kế hoạch hành động ASEAN-Nga về khoa học, công nghệ và đổi mới; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020; và Chương trình làm việc ASEAN-Nga về hợp tác nông nghiệp và an ninh lương thực.

ASEAN - Nga: Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị ngày 20/5 tại Sochi. Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nga ngày càng thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng tiếp xúc song phương

Cùng ngày, tiếp tục chương trình làm việc tại thành phố Sochi, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Rajak, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Trước đó, tối 19/5, Thủ tướng gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.

Chiều 19/5, tại Sochi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thủ tướng khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi Nga là ưu tiên chiến lược quan trọng trong triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam và sẽ chủ động thúc đẩy tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga theo hướng thực chất và hiệu quả. 

Tổng thống Putin đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á và khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương.  

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chú trọng nâng cao hiệu quả của các chương trình và dự án hợp tác trọng điểm, nhất là trong trao đổi thương mại, dầu khí, điện hạt nhân, du lịch làm cơ sở để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác. Tổng thống Nga nhất trí sẽ thúc đẩy các nước thành viên còn lại của Liên minh Kinh tế Á - Âu là Belarus, Armenia và Kyrgyzstan hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam để triển khai thực hiện.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông, Tổng thống Putin chia sẻ, Nga quan tâm theo dõi tình hình ở Đông Nam Á nói chung và ở biển Đông nói riêng, khẳng định lập trường của Nga là cần giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS, triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc phối hợp xây dựng COC…


MỚI - NÓNG