Bắc Kinh “làm xiếc” với con số các nước ủng hộ

TP - Tại một cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức gần đây, một nhà báo nêu ra con số 60 nước ủng hộ lập trường của nước này về vấn đề biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khôn khéo vận dụng câu chữ khi trả lời để tạo cảm giác rằng, có tới 60 nước ủng hộ Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) đang lưu trữ một báo cáo đặc biệt trên website Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của trung tâm. Báo cáo đặc biệt này theo dõi lập trường của các nước. 

Ngày 24/6, AMTI tuyên bố đã xác định 57 nước dường như có trong danh sách ủng hộ Trung Quốc. Trong số này, 8 nước công khai xác nhận sự ủng hộ của họ, 4 nước phủ nhận tuyên bố của Bắc Kinh nói rằng họ ủng hộ Trung Quốc và 45 nước vẫn yên lặng hoặc đưa ra những tuyên bố mơ hồ hơn rất nhiều so với những gì Trung Quốc diễn giải. 

Ngược lại, 11 nước cộng với Liên minh châu Âu đã tuyên bố rằng, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực là ràng buộc về mặt pháp lý, và kêu gọi của Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết.

“Trung Quốc đang áp dụng tiêu chuẩn kép. Nước này phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông và thường xuyên phản đối, chỉ trích tuyên bố của các siêu cường bên ngoài. Giờ đây, Trung Quốc đang tranh thủ giành tình cảm của các nước nước bên ngoài để ủng hộ lập trường của họ. Sự khác biệt giữa hai nhóm này là nhóm đầu tiên là những nước có quyền lợi trực tiếp trong sự an toàn, an ninh của biển Đông vì có những cường quốc biển. Nhóm thứ hai chủ yếu là các nước châu Phi và một số như Lesotho - họ là các quốc gia hoàn toàn ở giữa đất liền, không có biển”, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 1/7.

Theo GS Thayer, Trung Quốc cũng “nhét câu chữ vào miệng một số nước”. Ví dụ, hồi tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Brunei, Lào và Campuchia, rồi truyền thông Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh đã đạt được sự đồng thuận quan trọng với 3 nước đó. Thời điểm đó, người phát ngôn chính phủ Campuchia đã phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc.

Những ngày trước khi Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Xinhua đăng rất nhiều tin, bài phỏng vấn và xã luận liên quan tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, nhấn mạnh 2 nội dung. Thứ nhất, làm mất uy tín của tòa, Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của tòa, không công nhận phán quyết, chỉ trích Philippines đệ đơn kiện.

 Thứ hai, có hàng chục nước trên thế giới, chủ yếu ở châu Phi, châu Mỹ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, các bên liên quan nên đàm phán song phương. Có một điểm mới là Xinhua đăng nhiều bài liệt kê phát ngôn của quan chức, chuyên gia các nước về vấn đề biển Đông. Tất nhiên, tất cả các phát ngôn đều được trích có chủ ý. 

Ví dụ, cựu Đại sứ Ai Cập tại Trung Quốc Mahmoud Allam nói: “Tòa trọng tài rõ ràng là không hợp pháp vì Trung Quốc vắng mặt”. Trong vòng 1 tuần cuối cùng của tháng 6 (từ ngày 23 đến 30/6), Xinhua đăng 54 tin bài bằng tiếng Anh về 2 vấn đề nêu trên.

Ngoài ra, Trung Quốc cho đăng các bài viết của đại sứ Trung Quốc tại nhiều nước. Nội dung về quan điểm của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, về Tòa trọng tài thường trực. Các bài viết đăng trên báo của các nước sở tại. 

Ví dụ, ngày 8/6, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, ông Xie Feng, đăng một bài viết đăng trong mục Bạn đọc viết trên nhật báo Indonesia Jakarta Post phiên bản tiếng Anh với nội dung chủ tịch của Tòa trọng tài quốc tế “là người quốc tịch Nhật Bản” nên không khách quan, công bằng. 

MỚI - NÓNG