Bắc Kinh mặc cả, Philippines từ chối đàm phán

Người dân Philippines yêu cầu Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough, ngừng đánh bắt hải sản trong vùng biển của Philippines. Ảnh: Inquirer
Người dân Philippines yêu cầu Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough, ngừng đánh bắt hải sản trong vùng biển của Philippines. Ảnh: Inquirer
TP - Philippines vừa từ chối đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp trên biển Đông sau khi Bắc Kinh đòi Manila không đưa phán quyết của Tòa Trọng tài vào quá trình thương lượng. Một quan chức cấp cao Trung Quốc lại vừa tuyên bố nước này sẽ không dừng xây dựng trên biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines, ông Perfecto Yasay, hôm qua phát biểu trên đài truyền hình địa phương ANC rằng, các quan chức Trung Quốc đã đề nghị đối thoại, nhưng với điều kiện Manila không đếm xỉa đến phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra hôm 12/7 (phán quyết có nhiều nội dung có lợi cho Philippines). “Họ đề nghị chúng tôi đàm phán song phương, nhưng bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài”, ông Yasay nói. “Tôi nói với họ rằng, đây là điều không phù hợp với hiến pháp và lợi ích quốc gia của chúng tôi”, Ngoại trưởng Yasay kể.

Ngoại trưởng Philippines gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Mông Cổ, khai mạc hôm 15/7. Theo ông Yasay, các quan chức Trung Quốc trong cuộc gặp này đã nói rằng, nếu Philippines tiếp tục thúc đẩy các yêu cầu chủ quyền của mình, cả hai nước sẽ đối đầu rắc rối. 

“Họ nói rằng, nếu các ông khăng khăng theo phán quyết và thảo luận nó cùng những vấn đề khác, thì chúng ta có thể tiến tới một sự đối đầu”, ông Yasay nói với ANC. Ngoại trưởng Philippines cho rằng, ông nhìn thấy vẫn còn dư địa cho những cuộc đàm phán và hy vọng Trung Quốc sẽ nghĩ lại về quan điểm của mình. Ông Yasay cũng nói Philippines muốn một sự bảo đảm rằng, ngư dân của họ sẽ tiếp tục được tiếp cận bãi cạn Scarborough để đánh bắt hải sản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận gì về phát biểu của ông Yasay.  

Philippines trước đó thông báo cựu Tổng thống Fidel Ramos sẽ trở thành phái viên đặc biệt đến Bắc Kinh để đàm phán về vấn đề biển Đông. Nhưng trong cuộc phỏng vấn hôm qua, Ngoại trưởng Yasay nói ông không biết ông Ramos đã chấp nhận vai trò này chưa.

Trung Quốc không từ bỏ xây đảo trái phép

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục có những tuyên bố và hành động gây lo ngại. Một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc hôm qua tuyên bố nước này sẽ không bao giờ ngừng xây dựng trên biển Đông giữa chừng, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài rằng những hành động như vậy là vi phạm pháp luật.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng giữa chừng việc xây dựng trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam)”, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Ngô Thắng Lợi, tư lệnh Hải quân Trung Quốc, nói với người đồng cấp Mỹ John Richardson. Bắc Kinh đã và đang nhanh chóng biến các bãi cạn, đá ngầm thành đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng có thể phục vụ hoạt động quân sự.

Hôm 18/7, ông Richardson gặp ông Ngô tại trụ sở của Hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Theo Lầu Năm Góc, hai bên đã thảo luận vấn đề biển Đông và các biện pháp để hải quân hai nước hoạt động an toàn trong tương lai.

Tòa Trọng tài quốc tế tuần trước ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý cho những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu khắp vùng biển Đông mà nước này khoanh trong “đường 9 đoạn”. Tòa cũng tuyên bố, các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên biển Đông, như xây đảo, cản phá ngư dân Philippines… “gây hại cho môi trường biển”, “làm trầm trọng thêm tranh chấp”. Ông Ngô nói rằng, Bắc Kinh sẽ không bị đe dọa bởi phán quyết và tuyên bố của những nước liên quan.

Một số nhà ngoại giao cho biết, Bắc Kinh đã gây áp lực để một số nước ASEAN ngăn chặn việc đưa ra tuyên bố của khối về phán quyết. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài.

Khu vực biển phía đông đảo Hải Nam hiện là nơi diễn ra đợt tập trận của Trung Quốc từ ngày 19 đến 21/7, Cục Hàng hải Trung Quốc thông báo trên website. Tàu thuyền bị cấm vào khu vực này.

Ngày 19/7, sau cuộc gặp với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Sydney, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, hai nước cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên thế giới, ABC News đưa tin. Ông Biden cũng cho biết, quân nhân Mỹ và Úc sẽ tăng cường hoạt động huấn luyện để sẵn sàng đối phó các thách thức ở châu Á-Thái Bình Dương.

KFC trở thành nạn nhân

Một cửa hàng KFC ở miền bắc Trung Quốc vừa trở thành mục tiêu của cuộc biểu tình chống Mỹ do một số người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc khởi xướng, nhằm phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong vụ biểu tình này, vài chục người tụ tập trước cửa hàng KFC hôm 17/7 ở huyện Lao Đình, tỉnh Hà Bắc, căng băng-rôn “Tẩy chay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, yêu Trung Quốc”, “Bạn đang ăn KFC từ Mỹ và mất mặt với tổ tiên của chúng ta”… Nhiều bức ảnh được đưa lên mạng, nhưng sau đó bị xóa. Trên mạng còn lan truyền đoạn phim một nhóm thanh niên Trung Quốc đập nát những chiếc điện thoại iPhone của họ để phản đối Mỹ, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin. Ngày 19/7, Bộ Thương mại Trung Quốc bác bỏ những lời kêu gọi tẩy chay Philippines.

MỚI - NÓNG