Bắc Kinh muốn phá trục Mỹ - Nhật - Hàn

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
TP - Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 6/7 nhận định, quan hệ kinh tế mạnh mẽ đang đưa Trung Quốc và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn, nhưng hai nước này thiếu một nhận thức chiến lược về mục tiêu chung, cũng như chia sẻ lợi ích chung. 

Quan hệ Trung-Hàn được tăng cường có thể mang lại lợi ích cho nhau về một số vấn đề, nhưng đôi bên vẫn tồn tại những giới hạn rõ ràng về phát triển mối quan hệ chính trị và chiến lược.


The Diplomat nhận định, chuyến thăm đáp lễ của ông Tập đối với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye diễn ra chưa đầy một năm nhấn mạnh quan hệ nồng ấm giữa Seoul và Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc chưa thăm Bình Nhưỡng hay tiếp đón nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Và những cuộc gặp thượng đỉnh thường lệ giữa Tokyo và Seoul biến mất khi Seoul và Bắc Kinh tăng cường quan hệ đã làm dấy lên câu hỏi rằng, có phải Hàn Quốc đang nghiêng về Trung Quốc hơn là nghiêng về Mỹ và Nhật Bản?

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc có vẻ đang cạn dần kiên nhẫn với Triều Tiên khi nước này không từ bỏ tham vọng hạt nhân, tiếp tục chạy đua tên lửa và gây ra nhiều vấn đề khó xử cho Trung Quốc. Trung Quốc lấy lòng Hàn Quốc nhằm mục tiêu sâu xa là phá vỡ trục đồng minh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

 Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là hai đồng minh đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược “xoay trục” châu Á của Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang ra sức cản phá, hạn chế tối đa sự hiện diện của Mỹ trong khu vực; chiến lược này sẽ thành công nếu khoét sâu bất đồng giữa hai đồng minh thân thiết của Washington và lôi kéo được Seoul vào quỹ đạo của Trung Quốc. 

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc ra mặt lạnh nhạt với Triều Tiên vừa bày tỏ thái độ không hài lòng về Bình Nhưỡng, đồng thời lại hâm nóng quan hệ với Hàn Quốc.

The Diplomat đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc và Hàn Quốc có trở thành những đồng minh chiến lược? Ông Tập rốt cuộc có dám thỏa mãn khao khát chiến lược của Hàn Quốc bằng cách quay lưng lại với ông Kim Jong-un? Hiển nhiên là không, từ lâu Hàn Quốc đã gắn chặt vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Còn Trung Quốc tiếp tục xem sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là ưu tiên cao hơn mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo của Mỹ và mục tiêu thống nhất hai miền của Hàn Quốc. Ông Tập kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo nhưng tránh lên án Triều Tiên.  

GS Lee Shang Hyun ở Đại học Sejong (Hàn Quốc) nhận định, Trung Quốc muốn khai thác triệt để xung khắc Nhật-Hàn, để làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật-Hàn mà Trung Quốc cho rằng Mỹ lập ra để bao vây nước này. Theo nhiều chuyên gia, Hàn Quốc sẽ sai lầm nếu làm suy yếu quan hệ với Mỹ. Chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang bảo vệ Hàn Quốc trước các nguy cơ. Thách thức chiến lược dài hạn đối với Hàn Quốc là tránh trở thành một “vệ tinh” của Trung Quốc đang ngày càng thể hiện tham vọng bá chủ.

Ông Lee cho rằng, Trung Quốc không lay chuyển được quan hệ chiến lược trong khu vực, nhưng cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ lợi dụng thời cơ Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng để thu lợi. Trong khi Trung Quốc “ve vãn” Hàn Quốc, Nhật Bản nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Hàn Quốc lợi dụng thị trường Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế, song vẫn gắn bó an ninh với Mỹ. Triều Tiên cũng mượn lá bài Tokyo để phá thế cô lập, phụ thuộc Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".