Bên trong nhà tù Tadmur khét tiếng nhất thế giới

Nhà tù Tadmur hiện chỉ còn là đống đổ nát sau khi đã bị phiến quân IS làm cho nổ tung.
Nhà tù Tadmur hiện chỉ còn là đống đổ nát sau khi đã bị phiến quân IS làm cho nổ tung.
Khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm lĩnh thành cổ Palmyra ở Syria hồi tháng trước, một trong những hành động đầu tiên của nhóm này là làm nổ tung nhà tù Tadmur, một trong những nhà tù khét tiếng nhất thế giới.

Người phương Tây biết Palmyra với những tàn tích có niên đại từ thời La Mã, song họ còn biết đến nhà tù Tadmur, nơi trong nhiều thập kỷ qua, nhiều người bất đồng chính trị đã bị giam giữ, tra tấn dã man, phải hứng chịu những nỗi kinh hoàng và đủ những chuyện điên khùng.

Nhà tù Tadmur do người Pháp xây dựng vào những năm 30 thế kỷ XX, ở giữa sa mạc, cách thủ đô Damascus 200km về phía đông bắc. Tuy nhiên, trong 30 năm cầm quyền của Hafez al-Assad, từ năm 1971 đến năm 2000, thì Tadmur mới trở thành nhà tù khét tiếng như hiện nay. Hàng ngàn người bất đồng quan điểm chính trị đã bị làm nhục, hành hạ và hành hình ở đây. 

"Thật bất công khi gọi đây là một nhà tù. Ở trong tù, các tù nhân vẫn có các quyền cơ bản, nhưng ở Tadmur bạn chẳng có quyền gì cả, mà chỉ có nỗi sợ hãi và kinh hoàng" - theo nhà văn Palestinia Salameh Kaileh, người đã bị giam giữ 2 năm tại đây, từ năm 1998 - 2000, với cáo buộc chống lại các mục tiêu của tiến trình đã đưa đảng Baath của Assad lên cầm quyền.

Việc giam giữ một cách độc đoán và sự đối xử tàn bạo với các tù nhân chính trị ở Tadmur bắt đầu từ những năm 70, khi một phong trào đối lập bắt đầu hình thành. Nằm trong sự dẫn dắt của Nhóm Anh em Hồi giáo cùng nhiều đảng khác, các nhà hoạt động này đòi hỏi phải có sự hiện diện chính trị và quy định pháp luật.

Nhóm Anh em Hồi giáo ngày càng phô trương sức mạnh, quyền lực và cánh có vũ trang xúc tiến các hành động bạo lực chính trị chống lại quân đội và chính quyền của Assad. Có hàng ngàn người ủng hộ cánh tả và các nhóm Hồi giáo bị bắt. Nhiều người bị hành hình hoặc chết vì bị tra tấn.

Nhà tù Tadmur được xây theo kiểu panopticon, một loại nhà giam xây tròn, ở giữa có chòi gác mà cai ngục có thể giám sát phạm nhân mọi lúc, trong khi tù nhân lại không thể biết mình có bị theo dõi hay không. Từ "panopticon" có nguồn gốc từ Panoptes, người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp có 100 con mắt.

Các cựu tù nhân kể, nhà tù này có 7 sân, 50 xà lim, 39 phòng biệt giam và 19 phòng biệt giam ngầm. "Tất cả các phòng giam đều có cửa sổ trên trần nhưng được rào bằng dây thép gai, qua đó các cai ngục có thể giám sát các tù nhân 24/24. Chúng tôi không thể nhìn được cai ngục có theo dõi chúng tôi hay không, vì thế không ai dám di chuyển khỏi vị trí hay thậm chí ngẩng đầu lên, bởi như vậy sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường".

Tù nhân ở Tadmur không được phép ngửa cổ lên hay nhìn nhau. "Tôi không hề nhìn mắt của bất cứ bạn tù nào và không ai trong số họ nhìn vào mắt tôi cho tới sau khi chúng tôi được ra tù. Liên lạc với nhau bằng mắt bị cấm tiệt" - cây bút  Syria Yassin Haj Saleh viết trong bài báo có nhan đề “The Road to Tadmur” (Đường tới Tadmur), nơi ông từng bị giam giữ vào năm 1995 - 1996.

Nhà thơ Syria Faraj Bayrakdar cho biết: "Chúng tôi thường phân biệt các cai ngục theo màu giày của họ, chứ không hề biết mặt họ. Chẳng hạn, cai ngục có đôi giày màu đen thì tốt, nhưng người đi giày màu xanh thì cực kỳ tàn nhẫn".

Ở Tadmur, tra tấn là chuyện thường ngày. Đây là một "hành trình" dài đầy đau đớn và cái chết đến từ từ. "Khi phải chứng kiến sự chết chóc diễn ra hàng ngày, bị đánh đập một cách vô cớ, bị khoét mắt, bẻ chân tay, lúc đó bạn có mong được “ăn” một phát đạn cho “nhẹ nhàng” hơn không?" - một cựu tù viết trong cuốn hồi ký lưu hành lậu ở Syria hồi năm 1999.

Các cựu tù thường nói về những giờ phút đầu tiên của họ trong nhà tù Tadmur và trận tra tấn "phủ đầu" khi mới bước chân vào. "Các cai ngục lôi chúng tôi ra khỏi xe một cách tàn bạo cho tới khi tất cả chúng tôi đã ở bên ngoài. Họ lục soát tất cả quần áo của chúng tôi và từng người một bị nhốt trong lốp xe rồi mỗi người phải hứng chịu không biết bao nhiêu cú giẫm đạp của cai ngục. Thân thể ai nấy đều bê bết máu và đầy thương tích. Nhiều người thậm chí đã chết ngay sau “màn tiếp đón” này" - một cựu tù kể.

Các cựu tù kể về việc họ đã bị làm nhục, bị đánh đập trong suốt thời gian bị giam. "Các cai ngục được cấp một giấy phép là có thể làm bất cứ việc gì, thậm chí giết chết tù nhân. Nói một cách đơn giản, cuộc sống của tù nhân trong trại giam này chẳng đáng là gì" - Kaileh đau xót chia sẻ.

Được biết, cai ngục còn cố gắng tìm ra những cách mới nhằm làm nhục tù nhân. Chẳng hạn, họ dùng các hình thức tra tấn "quái dị" chỉ để thoát khỏi nỗi buồn chán. Kaileh kể, có đêm, cai ngục nhìn qua cửa sổ trên trần, ra lệnh cho ông phải dùng miệng mình để chuyển tất cả các đôi dép trong xà lim, khoảng 100 đôi. Suốt đêm đó Kaileh đã phải làm việc ấy bằng miệng.

Hay khi tù nhân kêu gọi cấp cứu cho các bạn tù đang hấp hối, câu trả lời của cai ngục luôn là: "Chỉ được phép gọi chúng tôi tới nhặt xác. Tadmur là “vương quốc” của chết chóc và những sự điên khùng. Một nơi như thế này tồn tại là điều ô nhục không chỉ đối với người Syria, mà là đối với toàn nhân loại" - Bayrakdar nói.

Khi IS chiếm lĩnh nơi này, chúng đã phát tán nhiều bức ảnh bên trong nhà tù. Trước đó, ngoài các cai ngục và các cựu tù, không ai biết được bên trong những bức tường đó như thế nào.

Mặc dù khét tiếng như vậy, xong hành động phá hủy nhà tù của IS đã gây sốc cho nhiều người, bởi họ muốn giữ nó như một nhân chứng của sự tàn bạo. "IS đã phá hủy một biểu tượng lịch sử đáng lẽ phải tồn tại, bởi mỗi phòng giam ở Tadmur đã có rất nhiều người bị giết" - Ali Aboudehn, một người Liban từng bị giam ở đây 4 năm, nói.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.