Bóng ma trên những vùng đất giành lại từ tay IS

Lực lượng an ninh Iraq cùng dân quân người Shiite và các tay súng bộ tộc Sunni chiếm giữ một cứ điểm bên ngoài Fallujah. Ảnh: AP
Lực lượng an ninh Iraq cùng dân quân người Shiite và các tay súng bộ tộc Sunni chiếm giữ một cứ điểm bên ngoài Fallujah. Ảnh: AP
Dù đánh đuổi được Nhà nước Hồi giáo nhưng người dân Iraq vẫn phải đối mặt với một tương lai đầy bất ổn.

Khi quân đội Iraq, với sự yểm trợ của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, phát động cuộc tấn công nhằm giải phóng thành phố Fallujah khỏi tay Nhà nước Hồi giáo (IS), nhiều tiếng nói ủng hộ và dự đoán về thành công của chiến dịch trên liên tục xuất hiện.

Những cuộc không kích được cho là đã giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Fallujah đồng thời giải phóng thị trấn Karma, phía bắc thành phố, khỏi sự kiểm soát của các tay súng cực đoan. Tuy nhiên, tại đây, người ta cũng không còn thấy bóng dáng của dân thường sinh sống, theo CNN.

Chuyên gia Lina Khatib, lãnh đạo Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức Chatham House, cho rằng giành "chiến thắng" trước IS không đơn giản chỉ là tiêu diệt tổ chức này về mặt quân sự. Vì thế, đối với bà, thắng lợi trên dường như chỉ là nhất thời bởi các nhân tố dẫn đến sự hình thành của IS vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn.

Việc cộng đồng người Sunni cảm thấy bất mãn với chính phủ do người Shiite kiểm soát là một trong những nhân tố quan trọng khiến IS có thể bám rễ và sinh sôi nhanh chóng tại Iraq, bà Khatib đánh giá. Họ luôn cho rằng chính phủ do người Shiite nắm giữ thân Iran và duy trì chính sách phân biệt đối với họ bất kể là dưới sự lãnh đạo của cựu thủ tướng Nouri al-Maliki hay Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi.

Việc chính quyền sử dụng dân quân người Shiite trong cuộc chiến chống IS càng khiến người Sunni cảm thấy họ bị tách rời. Mặc dù lực lượng Sunni có tham gia chiến dịch Fallujah nhưng vai trò của họ đã bị lu mờ trước thanh thế của dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn.

Với những người Sunni ủng hộ IS ở Fallujah, sự tham gia của dân quân người Shiite sẽ đẩy họ xích lại gần hơn với IS. Trong khi đó, với những người không theo IS, được giải phóng nhờ dân quân Shiite chỉ như một sự thay đổi người cai trị.

Cái giá phải trả

Theo Khatib, phương pháp được sử dụng để giải phóng Karmar có lẽ mang nhiều nét tương đồng với chiến dịch giải phóng thị trấn Kobani, bắc Syria: rải bom hạng nặng để mở đường cho các lực lượng trên bộ tấn công.

Nhưng những thiệt hại về tài sản của hai cuộc tấn công trên đều rất nặng nề. Cả Karmar và Kobani đều chịu nhiều tổn thất về cơ sở hạ tầng. Nếu áp dụng biện pháp tương tự với Fallujah, thành phố này chắc chắn cũng sẽ bị tàn phá nghiêm trọng và phải mất nhiều năm để khôi phục về nguyên trạng. Nó sẽ khiến cư dân Fallujah mất nhà cửa, tác động mạnh lên thực trạng nhân khẩu học.

Hàng nghìn người Sunni đã bỏ trốn hoặc đang chuẩn bị tháo chạy khỏi Fallujah khi chiến dịch càn quét IS được triển khai. Câu hỏi đặt ra là những người này sẽ đi đâu? Họ có thể đến các khu vực tập trung đông người Shitte sinh sống. Nhưng nếu vậy, nguy cơ bùng phát những cuộc xung đột sắc tộc sẽ là rất cao, bà Khatib nhấn mạnh.

IS cuối cùng cũng đứng bên bờ vực suy yếu về mặt quân sự nhưng hàng nghìn người Sunni ở Iraq cũng sẽ lâm vào cảnh mất nhà cửa nhờ "sự can thiệp" của một lực lượng dân quân trung thành với Iran và một chính phủ mà họ coi là không khác biệt so với trước đây. Hồi năm 2013, nhiều người Sunni ở Iraq cam kết đi theo IS chính bởi họ muốn chống lại một chính phủ mà theo họ là thân Iran và có thể trở thành mối đe dọa đối với cuộc sống của họ, bà Khatib cho hay.

Khi mà các nhân tố gây bất ổn chính trị xã hội vẫn tồn tại, Iraq vẫn sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố gây dựng lực lượng và phát triển, bà Khatib nhận định.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã không thể giành tín nhiệm của người Sunni bởi họ coi ông chỉ như một phiên bản khác của cựu thủ tướng Maliki. Việc kêu gọi dân quân dòng Sunni tham gia cuộc chiến chống IS là một cách để quân đội Iraq chứng tỏ rằng chiến dịch Fallujah nhận được sự ủng hộ của mọi người dân ở các tầng lớp khác nhau. Nhưng rõ ràng là người Sunni và người Shiite ở Iraq vẫn không hề sát cánh chiến đấu.

Theo Khatib, khi mà chính quyền Iraq chưa có một chiến lược cụ thể để giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội cũng như khôi phục uy tín của quân đội thì dù có đánh bại được IS đi chăng nữa thì sau đấy, những tổ chức khác giống như thế vẫn sẽ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG