Các ứng viên Cộng hòa bôi xấu nhau

Mitt Romney (trái) ứng viên sáng giá
Mitt Romney (trái) ứng viên sáng giá
TP - Hơn 8 tháng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới cán đích, thế nhưng ngay từ bây giờ đảng Cộng hòa đã sôi sục với các màn… bôi xấu nhau.

> Nghị sỹ Romney bắt đầu được bảo vệ

Tình hình đảng Dân chủ rất yên tĩnh bởi lẽ ông Obama với tư cách đương kim Tổng thống đương nhiên là ứng viên chính thức duy nhất của đảng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Còn đảng Cộng hoà thì rất sôi động.

Cho tới nay, trong số các ứng viên đảng Cộng hoà vẫn chưa xuất hiện một nhân vật nào thật sự nổi bật. Ứng viên Mitt Romney tuy đã giành được sự ủng hộ của nhiều đại biểu nhất cho tới thời điểm này so với các ứng viên khác nhưng trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu chững lại.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Gallup và tờ USA Today thực hiện cho thấy ứng viên Rick Santorum đã vượt Mitt Romney về chỉ số tín nhiệm trong giới cử tri Mỹ. Trong khi ấy, thời điểm quyết định đang đến gần.

Ngày 28 - 2 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ tại hai bang Arizona và Michigan. Sau đó một tuần sẽ đến “Super Tuesday” (“thứ Ba trọng đại”) vào ngày 6- 3, khi các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra đồng loạt tại 11 bang.

Bởi thế, chẳng có gì lạ là các ứng viên Cộng hoà sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để vượt lên trước đối thủ, kể cả những thủ đoạn bôi xấu nhau.

Theo số liệu của Hãng Kantar Media, Hãng chuyên theo dõi các băng hình quảng cáo trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ, hơn 50% các video clip do các Ban Tham mưu của 4 ứng viên Cộng hoà nhiều triển vọng nhất và các tổ chức ủng hộ họ chuẩn bị, mang “tính chất tiêu cực”.

Nói cách khác, phần lớn các video clip đó bôi xấu các đối thủ, chứa đựng không ít lời chỉ trích độc địa, thô bạo nhằm vào các đối thủ.

Chẳng hạn, họ không ngần ngại sử dụng những cụm từ như “kẻ đạo đức giả thâm căn cố đế”, “kẻ đã phạm hàng đống sai lầm”, “chính trị gia mang hành trang nặng nề”... khi nói đến các đối thủ. Tình hình này khác hẳn so với chiến dịch tranh cử năm 2008 khi số video clip mang “tính chất tiêu cực” chỉ chiếm 6%.

Mitt Romney (trái) ứng viên sáng giá
Mitt Romney (trái) ứng viên sáng giá.

Tờ The Washington Post còn cho biết các ứng viên Cộng hoà đã chi những khoản tiền lớn vào chiến dịch “quảng cáo chính trị” trên truyền hình và trên mạng Internet. Nổi bật hơn cả về mặt này là cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, ứng viên giàu có nhất trong số các ứng viên đảng Cộng hoà.

Ông Romney đã chi cho chiến dịch “quảng cáo chính trị” của mình hơn 50 triệu USD và hai phần ba trong số đó dùng để sản xuất những video clip mang “tính chất tiêu cực”.

Hai ứng viên Cộng hoà khác là cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và Hạ Nghị sĩ bang Texas Ron Paul cũng không chịu thua kém. Họ đã chi hơn một nửa ngân sách “quảng cáo chính trị” của họ cho các video clip mang ít nhiều “tính chất tiêu cực”.

Còn cựu Thượng Nghị sĩ bang Pennsylvania Rick Santorum đã chi cho các video clip như vậy một phần tư tổng số tiền dành cho “quảng cáo chính trị”.

Chiến dịch tranh cử hiện nay ở Mỹ có lượng video clip mang “tính chất tiêu cực” gấp hơn 8 lần so với cuộc bầu cử trước. Vì thế, theo các nhà phân tích, nó có nguy cơ trở thành “chiến dịch tranh cử bẩn thỉu nhất trong lịch sử” nước Mỹ.

Vũ Việt
theo Newsru.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.