Cải cách cho Myanmar và Cộng đồng cho ASEAN

Cải cách cho Myanmar và Cộng đồng cho ASEAN
TP - Những nghi ngại về khả năng ASEAN có thể xây dựng thành công một Cộng đồng gắn kết vào năm 2015 vẫn còn đâu đó.

> Làn gió đổi mới ở Myanmar

Thời gian không còn nhiều trong khi công việc còn hết sức ngổn ngang. Nhưng như những lần trước trong quá khứ, giờ đây cộng đồng quốc tế một lần nữa lại phải ngạc nhiên thích thú trước sức sống, sức bật và sức tự cường của ASEAN.

Những ngày qua, Myanmar đã góp phần củng cố lại niềm tin đó.

Từ khi Myanmar có chính quyền dân sự vào tháng 3-2011, chính phủ của Tổng thống U Thein Sein tiến hành nhiều biện pháp hòa giải dân tộc, cải tổ bộ máy chính quyền, khuyến khích phát triển kinh tế.

Tiêu biểu như lệnh ân xá của chính phủ cho 200 tù nhân chính trị vào ngày 12-10-2011 và sau đó là 651 tù nhân khác vào ngày 13-1-2012. Sự kiện nổi bật tiếp theo là cuộc bầu cử tháng 4, trong số 45 ghế được bầu bổ sung (7% số ghế trong chính phủ); Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi giành chiến thắng với 43 ghế.

Cuộc bầu cử khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn tích cực tới quá trình cải cách ở Myanmar và đánh dấu sự hoàn thành 6 bước đầu trong lộ trình 7 bước dân chủ của Myanmar (được công bố và thực hiện từ đầu năm 2003).

Ngoài những cải cách về chính trị, chính phủ Myanmar cũng tích cực sửa đổi luật đầu tư và kinh doanh nhằm tăng xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, từ đó vực dậy nền kinh tế vốn bị trì trệ suốt hơn 2 thập kỷ qua.

Là nước có nhiều tài nguyên chưa khai thác như dầu khí, đá quý, các loại quặng, tiềm năng về nông lâm nghiệp và một thị trường với số dân đứng thứ 4 Đông Nam Á (khoảng 50 triệu người), Myanmar đang thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều nước, trong đó có cả các thành viên của ASEAN như Việt Nam.

Trong dự thảo luật đầu tư, Myanmar dành hàng loạt ưu đãi như miễn thuế 5 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư quốc tế có thể độc lập thành lập và thuê đất mà không cần một đối tác ở địa phương, có thể liên doanh mà chỉ cần đóng góp 35% tổng số vốn.

Là một trong ba trụ cột xây dựng cộng đồng ASEAN, Cộng đồng kinh tế cho tới những năm gần đây vẫn phải đối mặt nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng, trong đó lớn nhất là vấn đề khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN.

Tuy nhiên, với những cải cách kinh tế, luật đầu tư và các chính sách tự do thuế quan mới đây, Myanmar có triển vọng nhanh chóng thu hẹp chênh lệch phát triển với các nước trong khu vực, đồng thời hỗ trợ tích cực quá trình xây dựng một thị trường chung duy nhất về thương mại, hàng hóa ở ASEAN vào 2015.

Cùng với trụ cột kinh tế, những chuyển mình ở Myanmar cũng có những tác động tích cực tới quá trình xây dựng Cộng đồng an ninh - chính trị.

Trong quá khứ, hoạt động của ASEAN gặp nhiều khó khăn do các nước luôn phải cân nhắc yếu tố Myanmar khi ra các quyết sách vì mỗi nước ASEAN lại có quan điểm và thái độ không hoàn toàn đồng nhất với nhau về vấn đề dân chủ ở Myanmar.

Tuy nhiên, với những cải cách gần đây, sự chia rẽ về quan điểm ít nhiều giữa các nước thành viên ASEAN đã được xóa bỏ, tạo điều kiện cho hợp tác sâu, rộng hơn.

Đây là một nhân tố quan trọng để các quốc gia ASEAN có thể hợp tác đối phó những nguy cơ an ninh trong khu vực hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng an ninh - chính trị.

Những mục tiêu cơ bản của Cộng đồng văn hóa - xã hội như xem con người là trung tâm, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và công bằng xã hội… có thể bị xem là xa vời với Myanmar trước đây.

Tuy nhiên, giờ đây với những cải cách khá mạnh mẽ, với cách tiếp cận tập trung chăm lo và đảm bảo các quyền lợi cơ bản cho người dân như những gì chính phủ Myanmar đang tiến hành, khả năng các quốc gia ASEAN đạt được một trong những mục tiêu chính của Cộng đồng văn hóa - xã hội trở nên khả thi hơn một bước.

Nhờ đó, niềm tin về việc xây dựng thành công cộng đồng văn hóa - xã hội nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Xét cho cùng, Cộng đồng ASEAN có thể chỉ thành công nếu mỗi thành viên của ASEAN viết nên một câu chuyện thành công.

Mặt khác, cho đến nay, ASEAN vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của mình như chủ nghĩa trung lập, không can thiệp, sẵn sàng làm môi giới trung gian trung thực và đóng vai trò tích cực, trung tâm trong các thể chế khu vực đang định hình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG