Cần một ASEAN mạnh để giảm lệ thuộc vào bên ngoài

Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông. Ảnh: China Daily
Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông. Ảnh: China Daily
TP - ASEAN mạnh sẽ giúp các nước thành viên có tiếng nói tự giải quyết vấn đề của mình, giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài. Nếu ASEAN mất đoàn kết và không giữ được vai trò trung tâm, các nước thành viên về lâu dài sẽ phải đi tìm đối tác khác và có nguy cơ đối đầu, căng thẳng với nhau.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM (cuộc họp quan chức cao cấp) ASEAN Việt Nam, ngày 5/8 khi trao đổi với báo chí về tầm quan trọng của ASEAN, nhân kỷ niệm 49 năm thành lập ASEAN và 21 năm Việt Nam trở thành thành viên của khối.

Trước mối quan ngại về việc có cường quốc đang tác động vào một vài thành viên của ASEAN để gây mất đoàn kết và làm hỏng nỗ lực chung của khối trước một số vấn đề nóng của khu vực hiện nay, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, ASEAN cũng như các tổ chức khác, như EU, Liên Hợp Quốc… chịu tác động của việc các đối tác luôn muốn thúc đẩy lợi ích của họ. 

Nhưng các nước thành viên phải suy nghĩ lâu dài để thấy ASEAN vững mạnh, hiệu quả chính là vì lợi ích của họ. Một trong những ý nghĩa quan trọng của ASEAN là trở thành một nhân tố giúp tăng cường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Chính sức mạnh đoàn kết của ASEAN làm tăng vị thế riêng của từng nước thành viên để họ có khả năng độc lập hơn, giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài.

“Nếu ai đó làm suy yếu vai trò của ASEAN tức là làm ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định ở khu vực. Nếu ASEAN chia rẽ, trong tình hình phức tạp hiện nay, một số quốc gia sẽ phải lựa chọn các đối tác khác vì không dựa vào ASEAN được nữa. Khi một số nước đi theo cường quốc này, một số nước đi theo cường quốc khác thì sẽ có nguy cơ các nước ASEAN sẽ đối đầu, mâu thuẫn với nhau, và cũng không có lợi cho các nước đối tác”, Thứ trưởng nói.

Không thể làm thay các nước có tranh chấp

Trước câu hỏi rằng những tranh cãi trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến tiếng nói chung của ASEAN, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, ASEAN không thể làm thay các nước có tranh chấp, nhưng ASEAN đã nhất trí một số nguyên tắc cơ bản và quan trọng để các nước liên quan trực tiếp giải quyết tranh chấp.

Thứ nhất, ASEAN nhất trí rằng, hòa bình, ổn định hợp tác ở biển Đông có vị trí quan trọng, không thể tách rời vấn đề hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Thứ hai, các nước nhất trí với nhau việc thúc đẩy hợp tác biển Đông. 

Trên biển Đông không chỉ có tranh chấp mà còn có nhiều hình thức hợp tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau, giữa ASEAN với các đối tác của mình, như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... trong nghiên cứu biển, chống biến đổi khí hậu, đánh cá, chống cướp biển, chống tội phạm xuyên quốc gia. ASEAN cũng có những cơ chế và khuôn khổ với các đối tác để thúc đẩy các hoạt động hợp tác đó.

Các chính phủ, giới nghiên cứu và báo chí đánh giá biển Đông là một trong nơi tiềm ẩn rủi ro rất lớn, có nguy cơ dẫn đến xung đột, là nơi chứng kiến những căng thẳng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại trong thời gian qua. 

Về điều này, ASEAN nhất trí về nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Đó là các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, sử dụng đối thoại và thương lượng, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Cần một ASEAN mạnh để giảm lệ thuộc vào bên ngoài ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ảnh: Trúc Quỳnh

Trên thực tế, ASEAN là diễn đàn giữa các nước thành viên với nhau và với các nước đối tác để trao đổi những đánh giá của mình về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có tình hình biển Đông. Thông qua các cơ chế đó, đã có những hoạt động để tăng cường xây dựng lòng tin và hạn chế xung đột, thúc đẩy hợp tác, mang lại kết quả rất cụ thể như tuần tra chung, hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển; thành lập đường dây nóng giữa bộ quốc phòng các nước…

“ASEAN không thể làm thay các nước có tranh chấp”, Thứ trưởng Lê Hoài nói. “Nhưng việc ASEAN nhất trí về tầm quan trọng của biển Đông với tình hình khu vực, khuyến khích hợp tác, xây dựng lòng tin, thương lượng... tạo điều kiện rất quan trọng cho thương lượng hoặc các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp khác giữa các bên trực tiếp liên quan”, ông Trung nói.

Về câu hỏi quá trình tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng COC đến nay đạt được tiến triển gì, Thứ trưởng trả lời, ASEAN mong muốn chuyển sang thương lượng với Trung Quốc về COC, nhưng đến nay vẫn ở mức tham vấn. Việt Nam và ASEAN đang mong các bên thảo luận về đề cương của COC, vạch ra thời gian biểu, chương trình công tác cụ thể. “Nếu không, vẫn chỉ dừng ở việc trao đổi với nhau”, ông Trung nói.

MỚI - NÓNG