Cần tạo môi trường hợp tác trong vùng biển tranh chấp

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời báo giới sáng 22/8. Ảnh: Trúc Quỳnh
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời báo giới sáng 22/8. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Trong khu vực có tranh chấp chủ quyền vẫn có nhiều lĩnh vực cần và có thể hợp tác với nhau. Vấn đề quan trọng là cần tạo dựng môi trường chính trị, xây dựng niềm tin để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, kết nối các lĩnh vực phát triển, cứu hộ cứu nạn nhân đạo. 

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong cuộc gặp với báo giới hôm 22/8, nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) 47 vừa diễn ra ở Myanmar và hai diễn đàn về hợp tác biển ASEAN sắp được tổ chức tại Đà Nẵng.

Trong AMM 47 vừa qua có nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực, nổi bật là đề xuất của Mỹ và Philippines. AMM 47 đã xử lý những đề xuất này như thế nào? 

AMM 47 vừa qua diễn ra trong bối cảnh hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông bị đe dọa, đòi hỏi các ngoại trưởng ASEAN phải đánh giá tình hình, thách thức đặt ra, xác định ASEAN cần phải làm gì và những biện pháp cụ thể sắp tới sẽ ra sao.   

Các ngoại trưởng đã trao đổi rất kỹ rằng, cần bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đặc biệt là Điều 5 - quy định các bên phải kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình. Cần phải cụ thể hóa quy định này của DOC, nhất là xây dựng được danh sách biện pháp cụ thể cần phải làm và những việc không được làm. Các ngoại trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc sớm có Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mang tính ràng buộc. 

Ngoài đề xuất của Mỹ và Philippines, còn có nhiều đề xuất khác. Indonesia đưa ra sáng kiến bảo đảm xây dựng lòng tin, cơ chế ngăn ngừa rủi ro, xung đột và những cơ chế kiểm soát tranh chấp. Nhật Bản đề xuất thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp. Nhưng khi nói thực hiện đầy đủ DOC là đã bao hàm việc thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Các ngoại trưởng nhấn mạnh Điều 5 là thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp tình hình. Vấn đề triển khai Điều 5 trong tương lai chắc chắn sẽ bao gồm các biện pháp liên quan việc ngưng đọng, không được thực hiện những hành động ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trong khu vực. 

Bất kỳ sáng kiến nào được đưa ra nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, xây dựng lòng tin trong khu vực chắc chắn sẽ được ASEAN xem xét. Điều quan trọng nhất lúc này là xây dựng COC, bảo đảm thực hiện tốt DOC, đặc biệt là cụ thể hóa Điều 5.

Nội dung hai diễn đàn biển

Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 diễn ra từ ngày 26 tới 28/8 tại Đà Nẵng sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng là nơi trao đổi những vấn đề nhằm giúp các nước thành viên phối hợp với nhau tốt hơn trong lĩnh vực hợp tác biển, như kết nối các lĩnh vực ngư nghiệp, ứng phó thiên tai, nghiên cứu sinh học biển... Nếu một khuôn khổ, một môi trường biển không có tranh chấp chủ quyền sẽ rất thuận lợi cho hợp tác giữa các nước. Nhưng khi có những phức tạp, tranh chấp chủ quyền chồng lấn thì cần tạo dựng môi trường chính trị, xây dựng niềm tin để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác ngành được triển khai. 

Đây còn là kênh nhằm tư vấn cho chính phủ về những biện pháp có thể thực hiện được. Vì thế, các diễn đàn này sẽ tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hợp tác chứ không dừng lại ở an ninh biển. Hợp tác trong lĩnh vực giúp đỡ nhân đạo người và tàu gặp nạn cần khuôn khổ cụ thể, có đầu mối để có thể liên lạc khi gặp tai nạn thiên tai hay đâm va tàu. Trong khu vực có tranh chấp chủ quyền vẫn có nhiều lĩnh vực cần hợp tác với nhau. 

Ngoài ra, chắc chắn sẽ đề cập vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở nhiều khía cạnh, như tuân thủ luật pháp quốc tế, cứu hộ cứu nạn, xây dựng các thỏa thuận hợp tác khu vực để tàu bè dân sự và quân sự đi lại tránh va chạm. Đó là những sự cố giao thông bình thường, nhưng khi có tranh chấp chủ quyền thì những sự việc đó lại chuyển thành vấn đề chính trị. Cho nên, hai diễn đàn sắp tới nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo khuôn khổ chính trị tin cậy lẫn nhau và kiến nghị cho chính phủ. 

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác như Ấn Độ và Nhật Bản?

Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng đã có diễn đàn ADMM+ từ năm 2010, bao gồm hợp tác giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với 8 nước đối tác ở Đông Á. Trong khuôn khổ ADMM+, ASEAN có nhiều cuộc họp và tham vấn không chính thức ASEAN+1 với Trung Quốc và Mỹ, rồi sắp tới là với Nhật Bản. Những khuôn khổ này là cơ chế để mở ra cho ASEAN hợp tác với 8 nước đối tác và từng nước trong đó.

MỚI - NÓNG