Việt Nam - Trung Quốc:

Cần tích cực đóng góp ổn định tình hình trên biển

Chiều 13/9, tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
Chiều 13/9, tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
TP - Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tuân thủ những thỏa thuận, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các cơ chế đàm phán sớm có tiến triển thực chất, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông, cố gắng sớm ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số phương hướng lớn nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới. Về hợp tác kinh tế - thương mại, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả các mặt hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc, hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phù hợp yêu cầu phát triển của cả hai bên. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành của hai nước tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương bước vào giai đoạn phát triển chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Sớm xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng nỗ lực cùng Việt Nam nắm chắc xu thế phát triển quan hệ hai nước, duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng tranh chấp, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, bền vững.

Ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc coi trọng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, đề nghị hai bên phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung - Việt trong việc điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; tăng cường kết nối chiến lược phát triển trong khuôn khổ “Một vành đai, Một con đường” với “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế”; thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất, du lịch; sớm xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới và đẩy nhanh triển khai các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước. Trung Quốc sẽ khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, trình độ công nghệ cao sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.   

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Vương Gia Thụy; tiếp Hội trưởng Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Lý Tiểu Lâm và đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Trung - Việt. Thủ tướng cũng gặp gỡ đại diện các gia đình cựu cố vấn Trung Quốc từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến và đến thăm, nói chuyện với bà con Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.

Nhắc nhở tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trong cuộc tiếp Tổng Giám đốc Công ty Cục 6 Đường sắt Trung Quốc Mã Giang Kiểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở việc chậm trễ trong thi công đường sắt Cát Linh - Hà Đông - một dự án do công ty này làm tổng thầu. Thủ tướng nói: “Dù nguyên nhân gì thì với vai trò tổng thầu mà gây chậm trễ thì cần nhìn nhận trách nhiệm, nhất là trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân họ làm rất thành công”. “Công trường vắng vẻ, tổ chức thi công như thế thì gay go lắm”, Thủ tướng nhận xét.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Công ty Cục 6 khắc phục các bất cập, tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đồng thời bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động. Thủ tướng lưu ý chọn các nhà thầu phải bảo đảm năng lực, nếu không sẽ thay thế nhà thầu. Thủ tướng cũng đề nghị Công ty Cục 6 chủ động làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực hiện dự án, nhất là khi hai bên vừa ký Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ông Mã Giang Kiểm cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để đưa vào khai thác thử vào tháng 9/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc. Với lãnh đạo Tập đoàn Trung Hưng (ZTE) và Tập đoàn Hoa Vi (Huawei), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngoài hợp tác trong hoạt động thương mại với doanh nghiệp Việt Nam, hai tập đoàn cần thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sản xuất thiết bị viễn thông hiện đại và có chất lượng, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp viễn thông hai nước. Thủ tướng ủng hộ đề xuất của các tập đoàn muốn kết hợp với các thành phố của Việt Nam xây dựng đề án về thành phố thông minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có lợi ích chung trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.