Căng thẳng Trung - Ấn: New Delhi đột ngột muốn hạ nhiệt

Ảnh: IndianExpress
Ảnh: IndianExpress
TPO - Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Doklam có dấu hiệu hạ nhiệt khi quan chức Ấn Độ đột ngột phát tín hiệu muốn hòa hoãn với Trung Quốc. Nguyên nhân nào khiến Ấn Độ đột ngột muốn hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc tại khu vực Doklam?

Cạm bẫy của Trung Quốc

Căng thẳng Trung - Ấn bùng lên từ giữa tháng 6/2017, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở khu vực Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông.

Sau khi đưa ra các phản đối nhưng bất thành, chính phủ Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.

Sau khi Ấn Độ triển khai vài trăm binh sĩ tới đây, Bắc Kinh cho rằng quân đội Ấn Độ đang "xâm phạm lãnh thổ" của Trung Quốc và yêu cầu New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức rời khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu.

Cao nguyên Doklam nằm tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, là khu vực đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, hai quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ấn Độ là đồng minh và luôn ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong vấn đề tranh chấp ở khu vực này.

Tuy nhiên, thay vì việc đối kháng với quân đội Bhutan, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chọn quân đội Ấn Độ là mục tiêu đối kháng. Bhutan là quốc gia nhỏ bé, có quân đội ít, không có lực lượng không quân, chủ yếu là lục quân, do đó về cơ bản không phải là đối thủ của Trung Quốc. Do đó, Bhutan dựa vào sự giúp đỡ của Ấn Độ để phòng vệ.

Tuy nhiên, vấn đề mà Ấn Độ phải đối mặt đó là, quân đội của Ấn Độ lại hiện diện ở ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Ấn Độ không có tuyên bố bố chủ quyền đối với khu vực Doklam. Nếu Ấn Độ tiến quân vào Doklam đồng nghĩa với việc vừa xâm chiếm Bhutan, vừa xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

Đây chính là mấu chốt của việc tranh chấp sẽ được giải quyết như thế nào. Và cả hai điều này đều bất lợi cho Ấn Độ. Trung Quốc đã biết được Ấn Độ sẽ rất khó giải quyết vấn đề Doklam, vì vậy, việc Trung Quốc duy trì cục diện căng thẳng là nhằm cố ý khiêu khích Ấn Độ tại khu vực Doklam, và muốn đặt một chân vào mối quan hệ đồng minh Ấn Độ-Bhutan.

Điều đó, càng được chứng minh cụ thể hơn thông qua lời của phát ngôn viên Bộ ngoại giao TQ hôm 2/8, vấn đề lãnh thổ giữa Trung Quốc và Bhutan là vấn đề giữa hai quốc gia, không có mối liên quan tới Ấn Độ. Ấn Độ không có quyền đòi hỏi lãnh thổ cho Bhutan. Ấn Độ không chỉ xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc, mà còn thách thức chủ quyền và độc lập của Bhutan. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy, Trung Quốc tiếp tục tiến hành chiến lược lớn hơn là nhằm chia rẽ quan hệ đồng minh Ấn Độ-Bhutan.

Hơn nữa, biết được Ấn Độ yếu thế trong cuộc xung đột tại khu vực Doklam, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiêu trò để bôi xấu Ấn Độ. Cụ thể là ngày 17/8, Hãng tin Tân Hoa đăng video trên Twitter cáo buộc Ấn Độ "phạm 7 tội", trong đó có xâm phạm vùng đất của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế và "cướp phá" Bhutan.

Vì sao Ấn Độ đột ngột hòa hoãn với Trung Quốc

Bộ trưởng Nội chính Ấn Độ, Rajnath Singh ngày 21/8 đã ra tuyên bố nêu rõ: "vấn đề Doklam rất nhanh chóng sẽ có phương án giải quyết. Tôi muốn nói với tất cả các quốc gia láng giềng rằng, Ấn Độ mong muốn hòa bình, không muốn bất kỳ sự xung đột nào."

Ông Rajnath Singh nói rằng, hy vọng Trung Quốc sẽ đưa ra những hành động tích cực, tìm được phương thức giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, ông đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của láng giềng, và nói rằng, trong đời một con người có thể thay đổi bạn bè, tuy nhiên, láng giềng là không thể thay đổi, do đó duy trì quan hệ lành mạnh với láng giềng là đặc biệt quan trọng.

Trước đó, trong một tuyên bố hôm 20/7, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ: "Nếu Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực giao lộ biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, điều đó sẽ trở thành lo ngại an ninh đối với Ấn Độ. Nếu Trung Quốc muốn thảo luận về vấn đề này, cả hai phía nên rút lực lượng và chuyển sang đối thoại".

Đặc biệt phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, Ngoại trưởng Sushma Swaraj khẳng định rằng chiến tranh không phải là một giải pháp và Ấn Độ sẽ giải quyết xung đột biên giới với Trung Quốc thông qua đối thoại.

Theo chuyên gia phân tích Ajai Shukla của Ấn Độ, Trung Quốc luôn bực bội với mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ với Bhutan và thường xuyên gây sức ép để gây chia rẽ.

Hơn nữa, một số chuyên gia Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ đã phạm sai lầm khi công khai đưa quân vào Doklam để bảo vệ Bhutan. "Tôi đồng ý rằng họ có những lo ngại về an ninh, cũng có thể nói rằng Trung Quốc đã vi phạm hiện trạng. Nhưng việc điều quân đến khu vực tranh chấp của nước khác dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh có thể là cái cớ để Trung Quốc khai thác", một chuyên gia phân tích giấu tên của Ấn Độ nhận định.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, những tín hiệu hòa hoãn được phát ra từ Bộ trưởng Nội chính và Ngoại trưởng Ấn Độ là nhằm tránh đưa Ấn Độ rơi vào "cạm bẫy ngoại giao" do Trung Quốc giăng ra.

MỚI - NÓNG