Cảnh sát Mỹ mạnh tay dẹp loạn ở Missouri

Cảnh sát ra tay trấn áp bạo loạn tại Ferguson. Ảnh: Getty Images
Cảnh sát ra tay trấn áp bạo loạn tại Ferguson. Ảnh: Getty Images
TP - Cảnh sát Mỹ ngày 18/8 sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng trấn áp đám đông người biểu tình ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri, sau nhiều ngày bùng phát bạo loạn do vụ một cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen không có vũ khí.

Tổng cộng 31 người đã bị cảnh sát bắt giữ, 2 người bị thương, Reuters ngày 19/8 đưa tin.

Hàng nghìn người tại Ferguson vẫn tiếp tục đổ ra đường phố phản đối vụ thanh niên 18 tuổi tên là Michael Brown bị cảnh sát bắn chết. Lực lượng an ninh với xe bọc thép và trực thăng đã yêu cầu đám đông giải tán.

Bạo động bùng phát khi một số người biểu tình ném chai xăng, gạch đá về phía cảnh sát. Lực lượng chống bạo động có xe bọc thép yểm trợ đã đáp trả, bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng vào đám đông.

Các nhân chứng nói rằng, hành động của cảnh sát diễn ra vài giờ sau khi các cuộc biểu tình đường phố trở nên căng thẳng.

Trước đó, tình hình tại Ferguson đã có dấu hiệu lắng dịu sau khi Thống đốc bang Missouri, ông Jay Nixon, quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm khi lực lượng Vệ binh Quốc gia bắt đầu triển khai tại đây.

Khoảng 200 thành viên Vệ binh Quốc gia đã được điều động tới Ferguson, các tay súng bắn tỉa cũng được bố trí trên các mái nhà. Triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia là bước cuối cùng nhà chức trách thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng đám đông cướp bóc, đốt phá các cửa hiệu và khuấy động vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Theo AP, sĩ quan cảnh sát bang Missouri, ông Ron Johnons, nói với báo chí rằng, người biểu tình không được phép tụ tập trên đường phố. “Chúng tôi đang ngăn ngừa các yếu tố tội phạm”, ông nói.

Ông Johnons cho rằng, đây không còn là hành động biểu tình mà là hành vi tội phạm, vì nhiều người mang theo súng ngắn và bom xăng. Cảnh sát đã bắt giữ 31 người biểu tình, một số đến từ New York và California.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục kêu gọi người dân Ferguson kiềm chế và cho biết ông đã yêu cầu Thống đốc bang hạn chế sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia, hối thúc hòa giải thay vì sử dụng bạo lực.

Ông Obama cũng thông báo Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder sẽ đến Feguson ngày 20/8 để xem xét tình hình. Tổng thống Obama đã thảo luận về tình trạng bạo động tại Ferguson với ông Holder. 

Bộ trưởng Holder cho biết đã phái hơn 40 nhân viên FBI tới xem xét kỹ lưỡng khu vực ngoại ô Ferguson, tiến hành điều tra vụ bắn chết Brown. Khám nghiệm tử thi cho thấy Brown “không hề có dấu hiệu chống cự” và bị bắn ít nhất sáu phát, trong đó có hai phát vào đầu.

Luật sư Daryl Parks đại diện cho gia đình Brown nói trong cuộc họp báo rằng, một viên đạn găm vào đỉnh đầu nạn nhân, phát đạn còn lại làm vỡ mắt phải của Brown.

Không có dấu hiệu ẩu đả với cảnh sát và cũng không có mảnh đạn nào còn lại trên thi thể Brown. “Brown đã đầu hàng. Đầu nạn nhân chúi xuống. Viên sĩ quan cảnh sát phải bị bắt giữ”, luật sư Parks nói. Theo phía cảnh sát, sĩ quan Darren Wilson 28 tuổi nói mình chỉ bắn sau khi Brown định cướp vũ khí, tấn công xe cảnh sát của mình.

Wilson đã buộc phải rời đồn cảnh sát và đang tạm lánh đi. Đông đảo người dân Ferguson (phần lớn dân số là người da màu) cho rằng, vụ bắn chết Brown điển hình cho tình trạng lạm quyền của cảnh sát, nhưng cáo buộc này bị giới chức địa phương bác bỏ.

Hiệp hội Luật sư Quốc gia, mạng lưới bao gồm các luật sư và thẩm phán da màu lớn nhất nước Mỹ, đã đệ đơn kiện chính quyền và cảnh sát Ferguson, kêu gọi bảo vệ bằng chứng vụ bắn chết Brown cũng như các vụ bắt giữ trong thời gian biểu tình. Các lực lượng thực thi pháp luật cũng bị chỉ trích về việc sử dụng vũ lực quá mức.

MỚI - NÓNG