Cát & chủ quyền

Cát & chủ quyền
TP - Vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá trên biển Đông lần đầu tiên được đề cập trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) vừa kết thúc tại Kuala Lumpur (Malaysia), trong đó nêu rõ: “Việc tôn tạo, bồi đắp ở biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông”.

Dù không nêu đích danh song cộng đồng thế giới đều biết rằng, Trung Quốc (TQ) chính là bên đã gây ra những căng thẳng này.

Trước thềm AMM 48 với sự tham gia của các nước ASEAN và 10 đối tác, trong đó có TQ, Mỹ, Nga…, Trung Quốc cho rằng AMM không nên bàn về tranh chấp biển Đông. Bác lại quan điểm của TQ, Malaysia khẳng định, tranh chấp biển Đông phải được “thảo luận rộng rãi”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng “đây là diễn đàn mà các vấn đề an ninh rất quan trọng cần phải được nêu lên và thảo luận”, còn Ngoại trưởng Singapore Shanmugam nhấn mạnh “Biển Đông là một vấn đề. Chúng ta không thể giả vờ rằng đó không phải là một vấn đề”.

Thực tế trong 3 ngày Hội nghị, các ngoại trưởng đã chỉ trích mạnh mẽ hoạt động xây đảo nhân tạo cũng như tham vọng của TQ trên biển Đông. Trước sự cứng rắn của ASEAN, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tuyên bố: “TQ đã dừng rồi. Hãy cứ đưa máy bay đến mà xem!”.

Nhớ lại 3 năm trước tại AMM 45 diễn ra ở Campuchia, nước chủ nhà tuyên bố ASEAN nhất trí không “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, tương tự như lập trường của TQ là giải quyết tranh chấp trên biển Đông qua đàm phán song phương, giữa các bên đòi chủ quyền. Tuy nhiên, Philippines bác bỏ điều đó và khiến ASEAN không thể đạt đồng thuận. Đó cũng là lần đầu tiên ASEAN không đưa ra được Tuyên bố chung trong 45 năm.

Không chỉ nghi ngờ, cộng đồng quốc tế hầu hết cho rằng trong vấn đề biển Đông, tuyên bố của ông Vương Nghị không phải “dấu chấm hết” cho tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những diễn biến từ AMM 48 cho thấy, một khi đồng thuận, tiếng nói của ASEAN trở nên mạnh mẽ hơn, góp phần đảm bảo hoà bình, an ninh khu vực. Và thành công của AMM 48 cũng là “hành trang” giúp các quốc gia Đông Nam Á tự tin hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới, nơi cộng đồng quốc tế kỳ vọng ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường: Đổ bao nhiêu cát cũng không thể giúp TQ tạo ra chủ quyền biển Đông.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.