Châu Á lo Trung Quốc châm ngòi chiến tranh

TP - Phần lớn người dân ở nhiều nước châu Á sợ rằng, những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines có thể dẫn tới chiến tranh, theo kết quả khảo sát của một cơ quan nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ. 

Ngay cả ở Trung Quốc, cuộc khảo sát cho thấy 62% người dân nước này lo ngại những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn tới cuộc xung đột vũ trang. 67% người dân Mỹ cũng lo lắng về khả năng xung đột. Cuộc khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện tại 44 quốc gia và kết quả vừa được công bố.

Châu Á lo Trung Quốc châm ngòi chiến tranh ảnh 1 Hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh trên) và tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc và Mỹ ở từng nước châu Á trong khảo sát của Pew.  Ảnh: WSJ

“Năm nay, khảo sát tại tất cả 11 quốc gia châu Á cho thấy, khoảng một nửa số người trả lời nói rằng, họ lo ngại những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ dẫn tới xung đột vũ trang”, Pew thông báo kết quả khảo sát. 

Với tỷ lệ 93%, người Philippines lo ngại về nguy cơ này hơn cả, theo sau là người Nhật Bản với 85%, Việt Nam 85%. Có tới 83% số người được hỏi ở Hàn Quốc lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với hòa bình khu vực, cho dù quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc đang nồng ấm. 

Khảo sát được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, sau khi Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự để khẳng định chủ quyền đối với nhiều đảo, bãi cạn tranh chấp. 

Theo các nhà nghiên cứu, sau một thời gian dài thực hiện đường lối “ngoại giao nụ cười” để “tán tỉnh” các nước láng giềng, Trung Quốc trong 2 năm qua đã bộc lộ một bộ mặt khác. Những hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những gì họ gọi là quyền lãnh thổ hợp pháp đã lên tới mức độ có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang với Nhật Bản, các đồng minh và những nước bạn bè mới của Mỹ, và có nguy cơ Mỹ cũng sẽ vướng vào. 

Nghiên cứu của Pew nhấn mạnh, những hành động bắt nạt láng giềng của Trung Quốc đang đẩy nhiều nước trong khu vực vào vòng tay của Mỹ. Có tới 8 trong số 11 quốc gia châu Á coi Mỹ là đồng minh số một. Theo kết quả khảo sát, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Trung Quốc, Malaysia và Pakistan coi Mỹ là mối đe dọa chính. Indonesia coi Mỹ vừa là đồng minh và là mối đe dọa. 

Một nhân tố tiềm ẩn căng thẳng là kinh tế của Trung Quốc đang lên, khiến chi tiêu quốc phòng của nước này cũng tăng và làm thay đổi cán cân quyền lực về phía Trung Quốc ở khu vực mà nhiều nước đang dựa vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ để bảo đảm sự ổn định của họ. Các chuyên gia an ninh châu Á và nhiều chính trị gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về cách Trung Quốc sẽ thể hiện sức mạnh quyền lực của họ như thế nào trong tương lai. 

Số người coi Trung Quốc là cường quốc đứng đầu thế giới tăng từ 19% cách đây 6 năm lên 31% hiện nay. Một nửa số người được hỏi trả lời rằng, Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế hoặc đã thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ, và chỉ 32% số người được khảo sát nói rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ làm được như vậy. Tuy nhiên, nhìn chung, Mỹ vẫn giành được nhiều ủng hộ hơn ở châu Á. Trung bình 65% người được khảo sát có quan điểm tích cực về vai trò của Mỹ ở khu vực, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm được 49%.

Thủ tướng Nhật được người Việt ủng hộ nhiều nhất 

Nghiên cứu của Pew cho thấy, chính sách ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị người Trung Quốc và Hàn Quốc hồ nghi, nhưng được đánh giá tích cực ở những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. 

Tại Hàn Quốc, nước đang có mâu thuẫn với Nhật Bản vì cách giải thích lịch sử chiến tranh, có tới 94% người được khảo sát nói rằng, họ không tin ông Abe. Tương tự ở Trung Quốc, 70% người trả lời không tín nhiệm và 15% ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản. Ngược lại, 65% người trả lời ở Việt Nam nói rằng, họ tin ông Abe “sẽ làm điều đúng đắn trong các vấn đề của thế giới”. Đây là tỷ lệ ủng hộ ông Abe cao nhất ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản. Tỷ lệ ủng hộ ông Abe tại Philippines, Malaysia, Bangladesh, Thái Lan lần lượt là 55%, 57%, 56% và 53%. 

Thủ tướng Shinzo Abe hôm qua nói rằng, ông sẽ xem xét việc đưa ra luật có hiệu lực vĩnh viễn nhằm cho phép triển khai lực lượng vũ trang Nhật Bản ở nước ngoài, sau khi Tokyo đã giải thích lại Hiến pháp hòa bình, hãng thông tấn Kyodo đưa tin. 

Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, hôm qua nói rằng, những cơ chế đa phương như cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt có vai trò quan trọng để giảm căng thẳng với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

 “Rất khó để Nhật Bản và Trung Quốc đối thoại song phương, nhưng duy trì đối thoại trên cơ sở đa phương sẽ làm ổn định tình hình”, ông Kawano nói trong một cuộc họp báo.

Có tới 83% số người được hỏi ở Hàn Quốc lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với hòa bình khu vực, cho dù quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc đang nồng ấm.

Theo Theo Kyodo, The Wall Street Journal
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.