Chiến sự Syria: 6 năm địa ngục vẫn còn dài

Cảnh tượng tan hoang trên khắp Syria. Ảnh: Getty Images
Cảnh tượng tan hoang trên khắp Syria. Ảnh: Getty Images
TPO - Cuộc nội chiến Syria đã bước sang năm thứ 7 mà tương lai của đất nước này vẫn mịt mù. Nhưng sự thật rành rành là cuộc chiến tàn bạo đã giết chết hàng trăm ngàn người, làm tổn thương hàng triệu đứa trẻ và nâng tiêu chuẩn man rợ lên mức độ mới.

Trải qua từng đó thời gian, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tại vị nhờ sự ủng hộ của Nga và Iran. Và giờ đây ông Assad đang chiếm thế thượng phong về quân sự trước các phiến quân, điều trước đây được coi là khó tưởng tượng.

Nhưng chính quyền của ông Assad chỉ kiểm soát được một phần của vùng lãnh thổ bị chia cắt của đất nước, đó là 5 thành phố chính của Syria. Còn các nhóm vũ trang đối đầu, gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhiều nhóm khủng bố, nhóm dân tộc chủ nghĩa và nhóm người Kurd vẫn chiếm hầu hất các vùng nông thôn của Syria.

Và tình hình phức tạp hơn với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của quân đội nước ngoài trên đất Syria, trong đó có lực lượng của Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù các cuộc đàm phán do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm tìm ra một thỏa thuận hòa bình giữa chính quyền và các nhóm đối lập vẫn tiếp diễn nhưng rất ít nhà phân tích nhìn thấy điều lạc quan nào ở phía chân trời.

Thay vào đó, hầu hết họ đều dự đoán đất nước này sẽ vẫn chìm trong cuộc nội chiến, với rất ít hy vọng rằng gần 5 triệu người tị nạn Syria đã bỏ nhà đi sẽ có cơ hội quay về.

Nhiều bên dính dáng

Vũng lầy ở Syria đã lôi kéo một danh sách dài những nước can dự, trong đó hầu hết các cường quốc lớn trên thế giới và khu vực đang hỗ trợ những  lực lượng đại diện trong cuộc xung đột, còn Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nay là Mỹ can dự trực tiếp.

Việc Nga quyết định nhảy vào cuộc chiến để hỗ trợ chính quyền Syria cách đây 18 tháng đã làm chuyển biến tình thế theo hướng có lợi cho ông Assad. Không lực của Nga cùng với sự hỗ trợ trên mặt đất của các tay súng dân quân do Iran hỗ trợ đã giành chiến thắng quan trọng khi chiếm lại thành phố Aleppo vào tháng 12 năm ngoái, tạo nên bước chuyển lớn của cuộc chiến.

Chính quyền Syria sau đó cũng giành được những chiến thắng quyết định để đưa 5 thành phố lớn về dưới quyền kiểm soát của ông Assad, gồm Damascus, Homs, Hama, Latakia và Aleppo.

Các nhóm phiến quân, lực lượng của người Kurd và những nhóm khủng bố như IS và Mặt trận Nusra (gần đây đổi tên là Jabhat Fateh al-Sham) vẫn chiếm những vùng nông thôn rộng lớn còn lại của đất nước.

Sau một thời gian hạn chế can dự, Mỹ giờ đây đang gia tăng hiện diện sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố một trong những ưu tiên của ông là tiêu diệt IS.

Gần đây, Mỹ thông báo triển khai vài trăm lính thủy quân lục chiến được trang bị pháo binh hạng nặng để chuẩn bị cho chiến dịch đẩy IS ra khỏi Raqqa. Mỹ cũng sắp đưa 1.000 quân đến Kuwait để chuẩn bị cho khả năng đối đầu quy mô lớn hơn với IS.

Giới phân tích tin rằng những động thái này của Mỹ cho thấy Washington và các đồng minh sau thời gian dài ủng hộ các lực lượng đối lập thì nay đang chuẩn bị chấp nhận việc ông Assad tại vị nhằm ưu tiên cho cuộc chiến chống IS.

Phụ nữ, trẻ em khốn khổ  

Dân thường Syria phải hứng chịu nặng nề nhất hậu quả của cuộc nội chiến. Số liệu chính thức của Liên Hợp quốc cho biết 240.000 người đã thiệt mạng, nhưng con số thực tế có thể lên đến 400.000 người.

Lực lượng chính phủ Syria bị cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh vì đã dội bom xuống các khu vực đông dân thường, tấn công bệnh viện và các cơ sở y tế khác. Điều tra của Liên Hợp quốc phát hiện các nhóm phiến quân cũng phạm tội ác chiến tranh.

Quy mô cuộc khủng hoảng gây sửng sốt: 4,9 triệu người tị nạn, đa phần là phụ nữ và trẻ em, đã phải bỏ nhà sang các nước láng giềng. 6,3 triệu người mất nhà cửa và gần 14 triệu người cần cứu trợ nhân đạo; 7 triệu người không đủ thực phẩm và 1,75 triệu trẻ em không được đi học.

Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc công bố gần đây cho biết 652 trẻ em Syria thiệt mạng chỉ trong năm 2016, và ít nhất 850 em bị tuyển bộ để làm việc bạo lực, trong đó có việc đánh bom tự vẫn. Khoảng 3 triệu trẻ em Syria đang lớn lên nhưng không biết gì ngoài chiến tranh, gây ra “cuộc khủng hoảng tinh thần kinh khủng” cho một thế hệ, báo cáo của tổ chức phi chính phủ Save the Children cho biết.

Đàm phán tiến triển đến đâu?

Những cuộc đàm phán do Liên Hợp quốc hậu thuẫn diễn ra tại Geneva do Mỹ và Nga dẫn dắt không đạt được bất kỳ bước đột phá nào. Điểm nghẽn mấu chốt vẫn là vai trò tương lai của ông Assad là gì.

Nhưng sau chiến thắng ở Aleppo, một trục mới đã nổi lên, tạo động lực mới cho việc đàm phán.

Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những bên hậu thuẫn các tay súng phiến quân ở miền bắc Syria, dẫn dắt một thỏa thuận với Nga và Iran vào tháng 12 năm ngoái về việc ngừng bắn để người dân sơ tán khỏi Aleppo. Sau sắp xếp thành công này, bộ ba nói rằng họ có kế hoạch dùng ảnh hưởng của mình để tổ chức đàm phán ở Kazakhstan vào đầu năm 2017 và hy vọng sẽ làm sống lại các cuộc đàm phán ở Geneva.

Thỏa thuận đó có thể cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm, rằng họ không còn khăng khăng đòi ông Assad từ chức mà thay vào đó là ưu tiên bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của Syria. Ankara sợ rằng lực lượng người Kurd nếu chiếm được vùng lãnh thổ phía nam giáp với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy.

Bộ ba nói rằng họ muốn mở rộng thỏa thuận ngừng bắn ra khắp đất nước, nhưng điều đó chưa xảy ra. Báo cáo gần đây của Mạng lưới nhân quyền Syria nói rằng hàng trăm vụ phá thỏa thuận đã xảy ra, chủ yếu do quân chính phủ.

Chiến sự Syria: 6 năm địa ngục vẫn còn dài ảnh 1

Cả một thế hệ trẻ em Syria chưa biết gì khác ngoài chiến tranh

Hai vòng đàm phán đã diễn ra tại Kazakhstan trong năm nay, nhưng phiến quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vừa tẩy chay cuộc đàm phán gần đây nhất vì cáo buộc chính phủ tấn công các khu vực do phiến quân kiểm soát.

Nếu quân chính phủ không giành được chiến thắng quyết định trên chiến trường hoặc các bên không giải quyết được bằng thỏa thuận, giới phân tích cho rằng tình thế hiện nay sẽ vấn duy trì. Syria vẫn sẽ bị phân chia thành nhiều vùng đối lập nằm dưới quyền cai quản của các “lãnh chúa”, giống như tình hình ở Somalia.

Nằm trong làn sóng Mùa xuân Ả-rập, nội chiến Syria bắt đầu từ những cuộc biểu tình nhỏ diễn ra từ ngày 26/1/2011 khi nhiều người đổ xuống đường để thể hiện sự bất mãn với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Những cuộc xuống đường sau đó leo thang thành xung đột vũ trang sau khi người biểu tình đáp trả chiến dịch truy quét của chính phủ nhằm vào người bất mãn.
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.