Chính sách đối ngoại kỳ cục của Donald Trump?

Ông Donald Trump thường có phát biểu bị đánh giá là “kỳ cục” (Ảnh AP)
Ông Donald Trump thường có phát biểu bị đánh giá là “kỳ cục” (Ảnh AP)
TPO - Tại Thủ đô Washington, ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 của đảng Cộng hoà Donald Trump vừa có bài phát biểu về chính sách đối ngoại được dư luận đặc biệt quan tâm. Tờ The New York Times của Mỹ lập tức bình luận rằng chính sách đối ngoại này là “kỳ cục”.

Bài phát biểu này là hết sức cần thiết, bởi từ trước đến nay, ông Donald Trump mới chỉ đề cập quan điểm của mình về vai trò của Mỹ trên thế giới thông qua mạng xã hội tweet, các cuộc phỏng vấn và phát biểu tại các cuộc vận động tranh cử. 

Tuy nhiên, dường như không ai, nhất là các đồng minh của Mỹ, giảm được mối lo ngại trước tầm nhìn về thế giới của ông Donald Trump. Mặc dù đã được các cố vấn chiến dịch tranh cử soạn thảo và phóng chữ to để ông Trump đọc song bài phát biểu của ông Trump không biểu lộ sự hiểu biết về một thế giới phức tạp, sự cân bằng quyền lực và thậm chí chưa “đọc kỹ lịch sử”.

Phản ứng trước phát biểu về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump, tờ The New York Times ví von, ám chỉ rằng “ Khi một người có búa, mọi thứ chỉ như cái đinh. Khi kinh nghiệm của một người chỉ giới hạn ở những hợp đồng bất động sản (ông Donald Trump là trùm bất động sản Mỹ) thì mọi thứ cũng chỉ như một cuộc đàm phán cho thuê bất động sản”. 

Nghe ông Trump nói về cách tiếp cận trong quan hệ quốc tế, người ta có thể tưởng tượng cảnh một nhóm các nguyên thủ quốc gia ngồi cùng “Tổng thống Trump”, nghe “Tổng thống Trump” đòi hỏi họ gánh vác trách nhiệm tài chính lớn hơn, triển khai nhiều binh lính hơn và buộc phải điều chỉnh chính sách để đổi lại mối quan hệ hữu hảo, thương mại và sự bảo vệ từ nước Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump không có được thứ mình mong muốn? “Trong đàm phán, bạn cần sẵn sàng bỏ đi”- ông Trump tuyên bố. Cách tiếp cận đơn phương kiểu này có thể tốt trên truyền hình, nhưng không tốt trong một thế giới hiện thực mà ở đó các quốc gia đều có chương trình nghị sự riêng. Ông Trump khẳng định rằng sẽ “hợp tác rất chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ trong thế giới Hồi giáo”. Nhưng người ta đặt câu hỏi ông Trump sẽ hợp tác thế nào với các nước Hồi giáo trong cuộc chiến chống IS, trong khi ông chủ trương cấm cửa hoàn toàn và toàn diện  tất cả người Hồi giáo đến Mỹ. 

Ông Trump sẽ làm cách nào để sử dụng “đòn bẩy kinh tế” của Mỹ nhằm thuyết phục Trung Quốc xử lý, kiềm chế CHDCND Triều Tiên, trong khi muốn áp dụng một mức thuế “tận diệt” 45% đối với các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Ông Donald Trump cho rằng Mỹ đã phải chi một khoản bất bình đẳng cho NATO, trong khi nhiều thành viên NATO không chịu chia sẻ gánh nặng tài chính như đã cam kết. Điều này là đúng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với các căn cứ quân sự nước ngoài của Mỹ nếu Washington không đàm phán được thì “sẵn sàng bỏ đi”.

Ca ngợi vai trò của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II và Chiến tranh lạnh, ông Donald Trump cho biết “America First” (nước Mỹ là trên hết) sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump. Đây từng là khẩu hiệu của những người theo chủ nghĩa biệt lập vào những năm 30 của thế kỷ trước. Đặt lợi ích quốc gia trên hết nhưng ông Trump lại thề “không ngần ngại triển khai lực lượng quân sự khi không còn lựa chọn”.

Mặc dù chỉ trích sự suy giảm sức mạnh của quân đội Mỹ cũng như kho vũ khí hạt nhân của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama song ông Donald Trump cũng chẳng đưa ra được giải pháp nào để củng cố lực lượng quân sự Mỹ. Trái lại, ông còn đòi cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Dường như ông cũng không biết gì về nỗ lực trị giá 1.000 tỷ USD đang được thực hiện của Washington nhằm khôi phục lực lượng hạt nhân Mỹ.

Giới quan sát Mỹ nhận định rằng qua bài phát biểu về chính sách đối ngoại trên, ông Donald Trump đã lặp lại những ý nghĩ kỳ cục, thường dựa vào các nhận định sai lầm, mâu thuẫn. Ông Trump có thể đưa ra rất nhiều quan điểm, lập trường rồi sau đó có thể “quay ngược”. 

Điều này không phù hợp trong hoạch định chính sách đối ngoại. Ông Trump đã không thể hiện sự sẵn sàng “học hỏi hoặc sửa sai”. Với những ai cho rằng ông Trump đã sẵn sàng dẫn dắt một thế giới cởi mở thì những tư tưởng đối ngoại kỳ cục của ông Trump là “không thể bào chữa được”.

Tỷ phú Donald Trump có bài phát biểu về quan điểm chính sách đối ngoại (27/4) chỉ một  ngày sau khi giành thắng lợi vang dội trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại 5 bang Bờ Đông. Với những chiến thắng quan trọng này, ông Trump đã có trong tay 77% trong tổng số 1.237 phiếu đại biểu cần có để được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

MỚI - NÓNG