Chính trường Mỹ 'dậy sóng' sau dự luật trừng phạt Nga

Ảnh: Getty
Ảnh: Getty
TPO - Với tỷ lệ số phiếu 97-2, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật mới nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Đã có những phản ứng khác nhau từ giới chức Ngoại giao Mỹ và các thượng nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Nội dung của Dự luật mới

Dự luật mới nhằm mục đích hạn chế quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các vấn đề liên quan tới Nga và khiến ông không thể đơn phương nới lỏng, hay hủy bỏ, các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Nếu muốn can thiệp vào vấn đề này, ông Trump phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

Nội dung chính của Dự luật mới nhằm vào các đối tượng bao gồm: những cá nhân có hành vi tham nhũng hoặc lạm dụng nhân quyền; tất cả những đối tượng cung cấp vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad; các cá nhân “tiến hành các vụ tấn công an ninh mạng với sự hậu thuẫn của Chính phủ Nga”; tất cả các cá nhân và tổ chức làm việc với ngành tình báo, quốc phòng Nga; các đối tượng thuộc lĩnh vực khai mỏ, kim loại, vận tải đường thủy và đường sắt của Nga.

Theo thỏa thuận giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, Quốc hội có thẩm quyền xem xét hoặc bãi bỏ mọi nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đình chỉ hoặc hủy bỏ thỏa thuận. Dự luật hiện vẫn còn cần có sự nhất trí của Hạ viện và phải được Tổng thống Trump ký thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Dự luật này đã có đủ sự ủng hộ từ phía Quốc hội để có thể vượt qua mọi ý định phủ quyết.

Những phản ứng trái chiều

Ngay sau khi Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua, đã có những phản ứng khác nhau từ giới chức Ngoại giao Mỹ và các thượng nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Một trong những người phản đối quyết định của Thượng viện là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson do cho rằng họ đã thúc đẩy dự luật ở “thời điểm thiếu hợp lý”.

Trước đó, trước thềm cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ, ông Tillerson cũng đã cảnh báo thỏa thuận giữa hai đảng có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán mà Washington đang tiến hành với phía Nga.

Phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, ông nói: “Chúng tôi duy trì một vài kênh liên lạc và chuẩn bị tiến hành đàm phán. Điều tôi rất không muốn là các kênh này bị đóng lại chỉ vì những diễn biến mới diễn ra ở thời điểm thiếu hợp lý”.

Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa lại không đồng tình với quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ khi cho rằng, các lệnh trừng phạt đối với Nga, kết quả của các cuộc đàm phán giữa hai đảng, là điều hết sức cần thiết để gửi lời cảnh báo đối với Moscow  và tất cả những ai có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho rằng: “Chúng ta không tha thứ cho bất kỳ hành vi tấn công nào nhằm vào nền dân chủ của mình”.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Jeanne Shaheen của tiểu bang New Hampshire nhấn mạnh: “Việc Nga can thiệp vào tiến trình bầu cử của chúng ta là điều mà tất cả những người Mỹ yêu nước đều không thể chấp nhận được. Chúng ta không thể chấp nhận để việc can thiệp vào bầu cử trở thành một hành động được coi là bình thường”.

Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer cho biết hai đảng đã đạt nhất trí cao trong việc đề ra Dự luật trừng phạt này. Dự luật trừng phạt gửi tới “Tổng thống Trump và Nhà Trắng tín hiệu mạnh mẽ rằng cả hai đảng đều rất lo ngại nguy cơ ông ấy có thể nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Putin. Đây là điều mà Thượng viện không thể làm ngơ”.

Ngoài ra, Thượng nghị sỹ bang Nam Carolina Lindsey Graham cho rằng cuối cùng Tổng thống Trump cũng sẽ phải ký vào Dự luật và cảnh báo rằng nếu ông không làm như vậy, Quốc hội vẫn sẽ hiện thực hóa dự luật này.

Phát biểu trong chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS hôm 11/6, ông nói: “Tất cả các thành viên Quốc hội, những người không muốn trừng phạt Nga về những việc Nga đã làm, đều là những người phản bội dân chủ. Nếu Tổng thống không ký dự luật trừng phạt Nga, ông ấy sẽ là một kẻ phản bội dân chủ”.

Theo các chuyên gia phân tích, Dự luật mới thực chất là các đòn trừng phạt bổ sung vào sắc lệnh hành pháp mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành để buộc Nga phải trả giá về các hành vi xâm lược tại Ukraine và hậu thuẫn chính quyền Syria.

Dự luật mới là một quyết định "vì dân chủ" của Thượng viện Mỹ được đưa ra trong bối cảnh cảnh mối quan tâm tại Washington tập trung vào quan hệ với Nga và các cuộc điều tra của các ủy ban Quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ đang được tiến hành về việc liệu Nga có gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nhằm giúp ông Donald Trump chiến thắng.

MỚI - NÓNG